Jazz đã cho tôi cảm ơn cuộc đời!

00:00 12/10/2020

Người ta gọi ông là “Huyền thoại Jazz Việt Nam”. Hạnh phúc hay khổ đau, giành giật hay buông bỏ, ông chỉ có một con đường duy nhất, bởi ông luôn tự ý thức rằng ông sinh ra trên cuộc đời này chỉ để dành cho Jazz và cây kèn Saxophone. Ông là nghệ sĩ ưu tú Quyền Văn Minh.

Đêm 27/10/2017, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ông cùng các nghệ sĩ và học trò của mình đã tổ chức đêm diễn kỉ niệm 20 năm Câu lạc bộ jazz và 50 năm cuộc đời nghệ thuật. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông hãy chia sẻ những suy nghĩ về con đường nghệ thuật của mình? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Trải qua 50 năm, từ những bước đi đầu tiên lúc chập chững trong nghệ thuật cho tới khi phát hiện và tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi tính đẹp trong giai điệu của nhạc jazz. Bằng khát khao nghệ thuật, cùng với sự mày mò tự học, tôi cảm nhận rằng mình sẽ làm được và kỹ thuật của thể loại này làm tôi nung nấu rất nhiều. Với tất cả sự nỗ lực, năm 1988, tôi làm được chương trình độc tấu đầu tiên của mình ở Hội Nghệ sĩ Việt Nam, gồm 3 phần nhạc: Âm nhạc cổ điển chính thống, âm nhạc thính phòng và nhạc jazz. Đó cũng là lúc nhạc jazz xuất hiện trên sân khấu âm nhạc bằng nhạc cụ đa năng Saxophone - một thể loại âm nhạc có đẳng cấp cao, đặc biệt là với Việt Nam. 

Một buổi diễn tại Bình Minh Jazz Club

Sau chương trình đó, tôi nhận được lời mời về giảng dạy tại Nhạc viện môn kèn Saxophone và mở được ra một môn nhạc cụ mới ở Việt Nam. Là người mê nhạc, tôi biết mình cần phải trân trọng thời khắc này. Kèn Saxophone cần được công nhận là một nhạc cụ nghiêm túc công bằng với các nhạc cụ khác trong Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tôi quyết tâm siết chặt thắt lưng để đồng hành cùng dòng nhạc yêu thích này của mình. Tôi nghiên cứu sâu hơn về nhạc Jazz, đào tạo học sinh với nền móng cơ bản là nhạc cổ điển làm tiền đề cho nhạc Việt Nam với phong cách jazz đa dạng. Người nghệ sĩ muốn đạt đến tầm vóc cao của jazz, trước hết đều là phải tự chơi Concerto, chơi những chương lớn âm nhạc, để biết được phải bơi trong âm nhạc ra sao. Để chơi được jazz hay cần phải biết ngẫu hứng, open solo, phá cách, theo đó phải dài hơi và đây là lao động nghệ thuật thực sự nghiêm túc. Đạt được đẳng cấp khi chơi được jazz, chơi được nhạc cổ điển thì những ca khúc hiện hành là rất dễ dàng cả về thể hiện âm nhạc và cả trong cách kiếm tiền. Đẳng cấp của nhạc jazz là giúp người nghệ sĩ tránh xa được tầm thường, dễ dãi trong âm nhạc. 

Để làm nên công bằng cho cây kèn Saxophone cũng như định hình chỗ đứng cho nhạc jazz tại Việt Nam, ông đã chấp nhận lao vào khởi nghiệp mà không nhìn thấy bất cứ yếu tố khả thi nào của dự án. Và ông đã dẫn dắt nó như thế nào? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Tôi suy nghĩ là nếu học sinh chỉ học ở trên lớp, không có môi trường để rèn luyện thực hành và thể hiện trước công chúng thì cuối cùng cũng chỉ là lý thuyết. Vậy nên Bình Minh Jazz Club được ra đời cách đây 20 năm để phục vụ mục đích, ý tưởng đó của tôi. Bình Minh Jazz Club là một sân khấu nhỏ, sân chơi âm nhạc thường xuyên để hàng tối các giảng viên, học sinh tập hợp những nhóm nhỏ biểu diễn jazz với tinh thần văn ôn võ luyện. Và tôi đã thấy hiệu quả tương đối hài lòng. Giờ đây, Bình Minh Jazz Club đã có 5 nhóm nhạc có thể nói là hàng đầu Việt Nam, mỗi đoàn quốc tế tới giao lưu, chúng tôi thông qua chơi jazz kinh điển, giao lưu học tập lẫn nhau rất vui vẻ. Dần dần, có thêm cả những chương trình tác phẩm jazz từ chất liệu dân ca Việt Nam được các giảng viên chúng tôi viết và tập hợp dần thành chương trình giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Đến nay Bình Minh Jazz Club là địa chỉ của đông đảo người dân Hà Nội, cả nước và du khách quốc tế. Bình Minh Jazz Club hoạt động hàng tối, đủ 365 ngày trong năm. 

Âm nhạc thì không có giới hạn trong một xã hội với tổng thể rất nhiều thị hiếu khác nhau. Nhạc trẻ thì lên ngôi, nhạc cổ điển được Nhà nước bao bọc, còn nhạc jazz thì manh mún phát triển trong sự hoài bão và dẫn dắt của ông. Lúc nào đó, chỗ nào đó, có người đã nói ông hoang tưởng nhưng chỉ có nghệ sĩ mới tự hiểu được mình rằng đó chính là đam mê. Nhiều lúc chính ông đã nói ông sinh ra là để dành cho “nàng jazz”. Trong lúc khó khăn khốn đốn nhất, đã có lúc nào ông ngầm thỏa hiệp hoặc có suy nghĩ chia tay với “nàng jazz” và điều gì đã giúp ông vượt qua? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Điều đó là đúng. Để phát triển Câu lạc bộ jazz, tôi từng thế chấp nhà vay ngân hàng, đã từng phải bán nhà. Sau 20 năm mở Bình Minh Jazz Club, với 6 lần phải chuyển cơ sở, cứ đến lúc ổn định có khách thì nhà chủ lại yêu cầu thanh lý hợp đồng. Mỗi lần như vậy, tôi thực sự rất mệt mỏi. Nhưng tôi nhìn đến học sinh và suy nghĩ về bản thân khi xuất thân từ một hoàn cảnh quá thiếu thốn để theo đuổi con đường nghệ thuật phải cố gắng bằng thực lực và đã đi được chặng đường tương đối dài. Lúc đó tôi lại nhớ lời dạy của mẹ tôi: “Khi con chơi kèn, hay con thổi được một đồng, mẹ quý hơn một tỷ đồng người khác cho mẹ. Nếu như con làm những điều tốt đẹp cho cuộc sống thì cuộc sống sẽ cho con những điều tốt đẹp”. Lúc đó tôi mới 14 tuổi. Đó là động lực rất lớn theo tôi suốt 50 năm. Những lúc gian truân, khó khăn nhất tưởng phải bỏ nghề, thì các loại kèn lại đẩy hơi thở của nó đi vào tận trái tim tôi. 

Cám ơn cuộc đời khi tôi vượt qua được những khó khăn, khi tôi chơi âm nhạc bằng tất cả trái tim mình thì tôi đã chinh phục được khán giả.

Và trong những ái, ố, hỉ, nộ cuộc đời thì điều gì đã làm cho người nghệ sĩ trong ông bị tổn thương? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Tôi là trường hợp khá đặc biệt, không được đào tạo qua bất kỳ trường lớp âm nhạc nào mà được Nhạc viện Hà Nội, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam mời về giảng dạy. Năm 1997, tôi được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Điều làm cho tôi bị tổn thương là cho đến ngày hôm nay, có nhiều người suy nghĩ tự học để thành thày nghe chăng có vĩ đại không? Anh không phải là tài năng quá đâu. 

Không! Đó là sự vượt khó rất lớn chứ không vĩ đại theo cách suy nghĩ thiển cận của một số người. Chuyện để thành thày khác với tài năng để trở thành nghệ sĩ khổng lồ, nghệ sĩ vĩ đại. Thành thày anh phải có tâm thầy, có đạo đức của người thày, đó là ý nghĩ rất lớn. Trong tất cả những cái bằng thì cái tâm của người thày là cái bằng giá trị nhất. Tôi phải nghiến răng chịu đựng, nhưng để tìm được sự thanh thản, mình phải ngộ và tôi đã ngộ ra một điều rằng, tất cả sự việc trên đời này vẫn chỉ là một câu hỏi và một câu trả lời. Tôi đã tự hỏi mình đã xứng đáng chưa và mình đã kiểm soát bản thân chặt chẽ như vậy rồi là mình xứng đáng rồi. Vậy thì đó là sự thanh thản của mình và tất cả những phán xét đó trở thành không có ý nghĩa và tôi buông. 

Vì tôi tự học nên tôi phải đi đường vòng rất nhiều. Nhưng vì tôi đi đường vòng nên tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm để dạy cho thế hệ sau tránh được những đường vòng và có những đường vòng nào tốt thì đó chính là điều kiện để học sinh được học cao hơn bản thân nó. Tất cả những giáo trình, giáo án đều thay đổi theo thời gian, thay đổi theo thế giới, theo thị hiếu của con người, nhưng phải làm sao để các học trò của mình trở thành những nghệ sĩ lớn, và sau này trở thành những người thày tốt, đó là thành công.

Điều đó đã lý giải được tại sao trên nhiều sân khấu, khi giao lưu với khán giả ông thường xuyên nói: Tôi rất cám ơn cuộc đời? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Cám ơn cuộc đời khi tôi vượt qua được những khó khăn, khi tôi chơi âm nhạc bằng tất cả trái tim mình thì tôi đã chinh phục được khán giả. Tại sao người ta có thể mời được rất nhiều nghệ sĩ khác mà người ta vẫn chọn mời Quyền Văn Minh đến tham dự cuộc biểu diễn này, event này. Và họ chờ gì? Họ chờ phần biểu diễn của tôi, chờ tôi biểu diễn như thế nào và tôi đưa cảm xúc vào như thế nào. Cuộc đời cũng phải có những phút gian truân, có những người bạn tốt. Rất nhiều người bạn chia sẻ với tôi trong các chương trình, họ có thể làm những chương trình khác về giới showbiz nhưng tại sao họ vẫn chia sẻ với tôi, vì họ hiểu rằng nghệ thuật đích thực rất cần sự hỗ trợ, bản thân tôi chứng minh rằng tôi đang theo đuổi nghệ thuật đích thực. Tôi đã lựa chọn con đường này. Trên thế giới đã có rất nhiều những tấm gương nghệ sỹ đi trước rất gian truân. Nhưng những thế hệ sau đã cộng lại và phát triển thành đỉnh cao của âm nhạc. Nên tôi cũng mong muốn trong tương lai các nghệ sĩ Việt Nam sẽ có những tầm đẳng cấp thế giới và chúng tôi sẽ có những tác phẩm âm nhạc dân gian Việt Nam để trở thành tác phẩm để các nghệ sĩ nước ngoài có thể chơi.

Cuối cùng con người cũng như âm nhạc luôn tìm sự công bằng. Trong bảng nhạc cụ xếp hạng trên thế giới thì kèn Saxophone là nhạc cụ xuất hiện sau, nhưng bản thân nó đã có sự cân bằng, thậm chí Saxophone đã có nét vượt trội và ở Việt Nam đến nay, Saxophone cũng đã khẳng định được chỗ đứng.

Cách đây gần nửa thế kỉ, nhạc jazz, loại hình âm nhạc thế giới được ông đưa vào Việt Nam, sau đó ông lại sáng tạo và chơi dòng nhạc dân gian Việt Nam theo phong cách nhạc jazz, vô tình mà thành ra người nghệ sĩ như ông đã hội nhập rất sâu với âm nhạc thế giới và ông có cảm nhận được điều đó không, thưa ông? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Bắt đầu bằng sự tình cờ của bản thân tôi với đam mê âm nhạc để tôi đến với jazz. Một cơ duyên, tôi trở thành giảng viên của Nhạc viện. Điều kiện cũng như hoàn cảnh đó đã thúc đẩy bản thân tôi cũng như những người đồng hành khác phải luôn chỉn chu, không ngừng nâng cao bản thân. Con trai tôi - Quyền Thiện Đắc, đã được đầu tư cẩn thận, tốt nghiệp xuất sắc ở Mỹ về nhạc jazz, làm Cao học ở Thụy Điển, hiện cũng là giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngay khi lập Bình Minh Jazz Club, chúng tôi đã phải tự cân đối như một doanh nghiệp nhỏ với loại hình hoạt động đặc thù. Bởi ngay cả khi thua lỗ về kinh tế thì âm nhạc vẫn được xuất hiện. Chúng tôi đã 6 lần đưa được học sinh ra biểu diễn ở châu Á, bản thân tôi và Quyền Thiện Đắc đã biểu diễn ở Mỹ, Pháp, châu Âu, Singapore, Sec & Slovakia với nhạc dân gian Việt Nam theo phong cách jazz, có cả các bạn quốc tế cùng biểu diễn...

 Nghệ sĩ Quyền Văn Minh (bên phải) và con trai Quyền Thiện Đắc

Hiện tôi đang xây dựng một dự án dành cho các tài năng trẻ thông qua trung tâm TEDschool, văn phòng phía Nam, hiện đóng ở Phú Mỹ Hưng, với mong muốn phát triển ngành Saxophone ở miền Nam. Khu vực miền Nam trước đây đã có một lực lượng hùng hậu các nghệ sỹ, như anh Trần Vĩnh, các cụ Xuân Lôi, Xuân Tiên... Nhưng hiện lực lượng Saxophone miền Bắc đã lớn mạnh hơn rất nhiều. Hiện tại, Quyền Thiện Đắc vẫn giữ cương vị phụ trách và tiếp tục phát triển cho hệ thống Saxophone miền Bắc đã vững mạnh ngay tại Học viện Âm nhạc Việt Nam. Giờ đây, tôi muốn cân bằng lại bằng cách vào miền Nam xây dựng lực lượng Saxophone, bởi lớp trẻ miền Nam chắc cũng sẽ yêu mến Saxophone nếu như có những người thày tận tâm thông qua hình thức xã hội hóa, từ sự vững mạnh đó thì mới có thể tiến ra với thế giới. Tôi kỳ vọng, năm 2018, sau khi nhận chuyển giao thế hệ từ tôi, Quyền Thiện Đắc tiếp nhận và với cương vị thuyền trưởng mới sẽ có trách nhiệm phát huy, phát triển con thuyền Saxophone phía Bắc từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, cùng cộng hưởng với phía Nam để nâng tầm cho Saxophone Việt Nam vươn ra biển lớn. 

Được biết ông đã tập hợp 100 cây kèn Saxophone và đang ngày đêm tập luyện để tổ chức một đêm nhạc tưởng nhớ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua buổi trình diễn, ông muốn truyền tải thông điệp gì và được xuất phát từ cảm xúc nào của ông với Đại tướng? 

Nghệ sỹ Quyền Văn Minh: Năm đó, trong đêm Quyền Thiện Đắc biểu diễn một chương trình tưởng niệm Nghệ sĩ John Coltrane - một nghệ sĩ vĩ đại Sacxophone thế giới. Khi đang chơi dở chương 2 thì tôi nhận được thông tin bác Giáp đã mất. Tôi tạm dừng chương trình và đề nghị cả khán phòng dành một phút mặc niệm tưởng niệm người Anh hùng vĩ đại, vị tướng của Việt Nam. Sau đó tôi và Quyền Thiện Đắc vào Vũng Chùa, thắp hương cho ông, và từ đó tôi khao khát được viết tác phẩm về ông. Bằng mọi cách, bằng tầm kiến thức mình và tôi đã viết xong. Chương 1: Vinh quang Điện Biên, Chương 2: Mãi tỏa sáng, Chương 3: Bất tử. Để thể hiện được các tác phẩm ấy cần 100 cây kèn. Lực lượng thiện chiến nhất mà tôi đào luyện hiện nay có khoảng 35-40 người, còn lại sẽ phải sử dụng những học sinh và đội nghi lễ quân đội, đội nghi lễ Bộ Công an, tuy họ khác biệt về phong cách. Tôi đang tính thời gian luyện tập và hi vọng sang 2019 sẽ công diễn. 

Qua thông tin từ báo chí và người quen thân của tôi biết ông là một vị tướng và Đại tướng cũng không được học qua trường lớp võ bị nào. Chiến thắng Điện Biên Phủ là vinh quang của cả dân tộc Việt Nam với toàn thế giới. Ông phải là người kiệt xuất để vượt qua rất nhiều nghịch cảnh và ông mãi tỏa sáng. Cho đến khi ông mất đi thì tất cả người dân Việt Nam đã chứng minh được sự bất tử của ông rồi. Việc tôi làm là mô tả lại bằng âm nhạc hình tượng của ông và chỉ một phần chút ít trong vị tướng thôi, tôi đã nhìn thấy mình. 

Xin cảm ơn nghệ sỹ và chúc nghệ sỹ một năm mới với đầy niềm vui và hạnh phúc! 

Lan Hương (thực hiện)