UPCoM hủy giao dịch cổ phiếu DBW của Cấp nước Điện biên

22:52 29/11/2022

ĐHĐCĐ bất thường của Công ty CP Cấp nước Điện biên được tổ chức cuối tháng 9 đã thông qua phương án hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của Công ty CP Cấp nước Điện biên (DBW/UPCoM). Theo đó, hơn 39,32 triệu cp DBW sẽ bị hủy đăng ký giao dịch từ ngày 27/12/2022.

ĐHĐCĐ bất thường của DBW được tổ chức cuối tháng 9 đã thông qua phương án hủy tư cách công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM và hủy đăng ký cổ phiếu tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD).

Về hoạt động công ty, trước đó Thanh tra tỉnh Điện Biên đã có Kết luận số 477/KL-TTr ngày 29/8/2022 chỉ rõ nhiều hạn chế, sai phạm trong công tác quản lý dự án do Công ty cổ phần Cấp nước Điện Biên làm chủ đầu tư.

UPCoM hủy giao dịch cổ phiếu DBW của Cấp nước Điện biên
UPCoM hủy giao dịch cổ phiếu DBW của Cấp nước Điện biên.

Cụ thể, tại thời điểm thanh tra, công ty có vốn điều lệ 396.884.530.000 đồng, trong đó cổ đông là Nhà nước chiếm giữ 99,415% vốn điều lệ.

Thanh tra tỉnh Điện Biên tiến hành thanh tra 25 dự án do công ty làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 71.224 triệu đồng, đã phát hiện một số vi phạm.

Theo kết luận thanh tra, chủ đầu tư chưa thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định; việc đăng ký, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường không đúng thẩm quyền theo quy định.

Đối với các gói thầu tư vấn tại cả 25 dự án, chủ đầu tư không thực hiện việc đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chưa thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT) còn một số hạn chế, khuyết điểm như:

Tại mục “tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính và kinh nghiệm của HSMT xây lắp” yêu cầu giá trị doanh thu bình quân xây dựng hàng năm, giá trị tối thiểu của hợp đồng tương tự, yêu cầu nguồn lực tài chính thực hiện hợp đồng tại một số dự án không đúng quy định tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT ngày 6/6/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lập hồ sơ mời thầu xây lắp; yêu cầu nộp báo cáo tài chính 3 năm 2016 - 2018 là chưa phù hợp 3 năm gần nhất 2017 - 2019; yêu cầu nguồn lực tài chính thực hiện gói thầu thiết bị chưa đúng.

Hồ sơ mời thầu E-HSMT (đấu thầu qua mạng) một số điểm thực hiện chưa đúng theo Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT ngày 30/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Mục đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của HSMT tại mộ số dự án chưa đúng theo Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT: Doanh thu bình quân hàng năm tối thiểu chưa đảm bảo giá trị yêu cầu thông thường; yêu cầu nguồn lực tài chính chưa đáp ứng giá trị yêu cầu thông thường.

Chưa thực hiện công khai số điện thoại cán bộ phụ trách phát hành HSMT; công khai đường dây nóng của Báo Đấu thầu khi phát hành HSMT/HSYC để nhà thầu có thể phản ánh kịp thời về các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu theo Chỉ thị 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước tại một số dự án.

Công tác đánh giá hồ sơ dự thầu của đơn vị tư vấn chưa chính xác, tại một số dự án hồ sơ dự thầu của các đơn vị trúng thầu chưa đáp ứng được đầy đủ tiêu chí của HSMT nhưng đơn vị tư vấn vẫn đánh giá đạt, làm cơ sở đưa ra kết quả lựa chọn nhà thầu.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, trong công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán, ký hợp đồng, giám sát thi công, nghiệm thu, thanh toán có nhiều vi phạm, tồn tại.

Một số dự án xác định dự toán xây dựng công trình không đúng theo quy định; không đưa vào dự toán giá trị chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí tư vấn quản lý dự án, chi phí khác.

Tại dự án cải tạo các tuyến ống mạng cấp II+III tại thành phố Điện Biên Phủ, chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng thi công xây dựng khi chưa có ý kiến chấp thuận của người quyết định đầu tư là UBND tỉnh Điện Biên theo Điều 143 Luật Xây dựng 2014.

Dự án Xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhà máy nước các huyện thị, công tác giám sát thi công xây dựng chưa đảm bảo theo quy định về mặt thời gian.

Công tác nghiệm thu lắp đặt thiết bị tại dự án lắp đặt hệ thống Javen khử trùng nhà máy nước huyện Mường Ảng, chưa đáp ứng đúng theo yêu cầu của hợp đồng đã được ký kết với chủ đầu tư.

Tại một số dự án, chủ đầu tư chưa báo cáo kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình đưa vào sử dụng cho cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để tổng hợp, theo dõi theo điểm đ khoản 1 Điều 32 và thực hiện quyết toán hợp đồng thi công xây dựng khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu theo khoản 4 Điều 31 Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; đưa công trình vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu của Sở Xây dựng.

Công tác lập dự toán, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán tại một số dự án không chính xác; quá trình giám sát thi công và nghiệm thu thanh toán không phát hiện để điều chỉnh. Qua thanh tra phát hiện sai phạm với giá trị 161.547.000 đồng.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã ban hành quyết định thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền 161.547.000 đồng; đồng thời, yêu cầu công ty tổ chức họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tập thể và các cá nhân có liên quan.

PV (t/h)