Huyện Lương Sơn (Hoà Bình): Còn nhiều doanh nghiệp vướng sai phạm tại các dự án sử dụng đất

07:54 17/05/2022

Trong 4 dự án chưa triển khai có 2 doanh nghiệp chậm tiến độ đến 10 năm; ngoài ra, có 4 dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ, 1 dự án sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng thuê đất, 3 dự án tồn tại về quản lý, sử dụng đất đai và 5 dự án tồn tại về xây dựng...

Được biết, Thanh tra tỉnh Hoà Bình đã tiến hành thanh tra 80 dự án. Sau thanh tra, Kết luận số 14/KL-TTr ngày 09/5/2022 của Thanh tra tỉnh Hoà Bình đã "điểm mặt chỉ tên" rất nhiều dự án đang có tồn tại, nhiều vi phạm khác cũng đã được cơ quan này chỉ ra.

Tại thời điểm thanh tra, đa số các tổ chức, doanh nghiệp được thuê đất đã đưa diện tích đất vào sử dụng để phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền thuê đất đầy đủ, kịp thời theo thông báo của cơ quan thuế; việc đầu tư xây dựng dự án cơ bản đảm bảo theo giấy phép xây dựng hoặc giấy chứng nhận đầu tư.

Bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình

Bản đồ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Thế nhưng, bên cạnh đó thực tế kết quả thanh tra cho thấy vẫn còn nhiều tổ chức, nhiều doanh nghiệp "bất lực" với dự án của mình, thậm chí tồn đọng nhiều sai phạm không thể chấp nhận.

Cơ quan Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã nêu đích danh các doanh nghiệp là chủ đầu tư của 4 dự án chưa triển khai (có dự án đã quá 11 năm nhưng vẫn án binh bất động); 4 dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ; 5 dự án tồn tại về xây dựng; 3 dự án tồn tại về quản lý, sử dụng đất đai; 2 dự án tồn tại về tài chính và 1 dự án sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng thuê đất.

Cụ thể, nhóm 4 doanh nghiệp 4 có dự án chưa triển khai gồm: Dự án trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hùng Thoa. Dự án này được nhà nước giao đất, cho thuê đất từ năm 2011 nhưng chưa triển khai thực hiện. Liên quan đến dự án này, Cục Thuế tỉnh Hòa Bình tính căn cứ thông tin theo Công văn số 1233/STNMT-QLĐĐ ngày 04/6/2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường để ban hành thông báo về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước, trong đó xác định loại đất và áp dụng tỷ lệ % giá đất không đúng quy định, dẫn đến thông báo số tiền công ty nộp thiếu hơn 17,5 triệu đồng;

Dự án xây dựng trụ sở và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phương Đông 2 được nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2011. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ hơn 10 năm. Đáng nói là Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phương Đông 2 đến này vẫn chưa nộp 140 triệu tiền thuê đất;

Một Dự án của Công ty Cổ phần Falcon Hồng Hà chưa triển khai thực hiện, đến nay cũng đã chậm tiến độ 10 năm.

Thứ tư là Dự án xây dựng xưởng sản xuất gạch ép block bằng bột đá và xi măng của Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Dương. Dự án này được giao đất, cho thuê đất từ năm 2013, đến nay đã chậm tiến độ 9 năm.

Thời gian vừa qua, thông tin về hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã và đang khiến dư luận bức xúc. Vấn đề đặt ra là có hay không việc thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý đối với các dự án này? (Ảnh minh họa)
Thời gian vừa qua, thông tin về hàng loạt sai phạm tại nhiều dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã và đang khiến dư luận bức xúc. Vấn đề đặt ra là có hay không việc thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý đối với các dự án này? (Ảnh minh họa).

Trong nhớm 4 dự án đã triển khai nhưng chậm tiến độ gồm Dự án khu nhà ở sinh thái tại xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn của Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư Đô thị Hòa Bình. Đây là dự án chậm tiến độ theo Giấy chứng nhận đầu tư cấp từ năm 2013. Mặc dù đã được gia hạn giãn tiến độ xây dựng đến tháng 1/2022 hoàn thành xong xây dựng. Tuy nhiên đến thời điểm thanh tra, thực tế dự án mới thi công một số hạng mục công trình;

Được giao đất, cho thuê đất năm 2017, thế nhưng dự án xây dựng xưởng cơ khí và sản xuất bao bì của Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Đầu tư Phương Anh hiện mới chỉ xây dựng 01 nhà lợp mái tôn để làm trụ sở giao dịch;

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Sản xuất keo dính Vật liệu xây dựng của Công ty CP Đầu tư GMC Group, được giao đất, cho thuê đất tháng từ 8/2020; thực tế hiện nay chủ đầu tư mới san lấp mặt bằng, chưa xây dựng nhà máy;

Dự án nhà hàng ăn uống tại xóm Kẽm, xã Lâm Sơn của Công ty TNHH MTV Bảo Quý được giao đất, cho thuê đất năm từ 2013. Thời điểm thanh tra, dự án mới triển khai việc kinh doanh xăng dầu và san lấp mặt bằng khu đất; hạng mục nhà hàng ăn uống liền kề chưa triển khai thực hiện.

Trong nhóm 5 dự án tồn tại về xây dựng có Dự án xây dựng Nhà máy Gia công Chế biến Đồ gỗ và Gia dụng của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Tùng Lâm Hòa Bình. Tại dự án này, chủ đầu tư đã xây dựng 01 nhà xưởng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng... chưa được cấp giấy phép xây dựng;

Còn tại Dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất gạch tuynel của Công ty TNHH Tân Phú Ninh Hòa Bình lại xảy ra tình trạng giấy phép một đằng xây dựng một nẻo. Cụ thể, ngày 07/12/2017, UBND huyện Lương Sơn cấp Giấy phép xây dựng số 105/GPXD. Đối chiếu với giấy phép này cho thấy thực tế công ty đã xây dựng hạng mục nhà văn phòng 02 tầng, vượt 01 tầng so với nội dung cấp phép.

Lạ lùng hơn, tại dự án xưởng sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Minh Quang Phát, chủ đầu tư đã xây dựng nhà xưởng, tường 110, cột bằng cọc, mái lợp tôn và 1 cẩu giàn để phục vụ sản xuất. Thực tế, dự án này chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Tại thời điểm kiểm tra Dự án Nhà máy Tái chế dầu DO từ cao su phế thải của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ An Việt; chủ đầu tư đã và đang triển khai xây dựng một số hạng mục. Tuy nhiên, thực tế thì công ty chưa được cấp giấy phép xây dựng nhà máy.

Đứng thứ năm là Dự án Nhà máy Gạch tuynel công nghệ cao Đại Hưng do Công ty cổ phần Gạch tuynel Đại Hưng làm chủ đầu tư. Ngày 10/8/2010, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cấp Giấy phép xây dựng số 44, có thời hạn 01 năm. Tận 7 năm sau, ngày 12/5/2017, UBND tỉnh Hòa Bình có Công văn số 2208/VPUBND-NNTN yêu cầu khẩn trương đầu tư công nghệ tuynel, thay công nghệ lò vòng theo đúng giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Quá trình đầu tư xây dựng do vi phạm, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 30 triệu đồng, yêu cầu dừng ngay việc xây dựng công trình và thực hiện việc việc xin cấp phép xây dựng lại theo đúng quy định.

Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra tỉnh Hòa Bình cũng đã chỉ ra 1 dự án sử dụng đất sai mục đích theo hợp đồng thuê đất. Đó là Công ty TNHH Sơn Ngọc hiện đang sử dụng đất làm xưởng sản xuất tôn tấm lợp không đúng theo hợp đồng thuê đất là xây dựng đại lý kinh doanh ô tô, xe máy.

Trần Linh

Khoản i Điều 64 Luật đất đai năm 2014 quy định: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.