Huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

15:48 23/12/2022

Bộ Ngoại giao, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế “Tăng cường hợp tác với các quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước”.

Tại phiên toàn thể hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 30% nguồn lực và cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực ngoài nhà nước.

Là một trong những đơn vị quản lý nắm giữ số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Lê Thanh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc SCIC cho biết, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ ngành ban hành nhiều chính sách đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. SCIC bám sát chỉ đạo của Chính phủ như Nghị quyết 68, Quyết định 22 về tiêu chí sắp xếp DNNN, Quyết định 360 về Đề án cơ cấu lại DNNN, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. 

ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước.

SCIC đẩy mạnh quá trình sắp xếp, phân loại DNNN và đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhất là lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phẩn. Trên cơ sở đó đảm bảo thu hồi vốn hiệu quả cho nhà nước. Năm 2022, SCIC thoái vốn thành công tại 21 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn thu về đạt 1.130 tỷ đồng và thặng dư vốn đat 888 tỷ đồng. Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong tái cơ cấu, thoái vốn doanh nghiệp.

Sau quá trình tái cơ cấu DNNN, thời gian tới, SCIC định hướng trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ. Đây cũng là cái đích mong muốn để SCIC có thể làm tròn nhiều sứ mệnh trong cùng lúc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để đạt được mục tiêu này, SCIC sẽ chú trọng phối hợp với định chế tài chính, quỹ đầu tư trong nước và ngoài nước, các tập đoàn, tổng công ty thuộc hệ sinh thái SCIC để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư xanh thông qua công cụ như thành lập quỹ đầu tư chung, công ty đầu tư như bảo lãnh, phát hành trái phiếu xanh.

SCIC cũng định hướng thành lập các quỹ đầu tư để đầu tư vào ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm của nền kinh tế Việt Nam. Huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế. Thu hút quỹ đầu tư Chính phủ các nước quan tâm mua cổ phần tại doanh nghiệp trong danh mục của SCIC. Từ đó tập trung vào doanh nghiệp phát triển hiệu quả kinh tế và giải pháp bền vững môi trường.

P.V (t/h)