Hướng dẫn thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ

00:00 12/10/2020

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý và thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, phạm vi quản lý và thực hiện là các đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ ở quy mô vùng, miền, quốc gia và các đề án hỗ trợ mô hình điểm có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp Trung ương do Bộ Công Thương quản lý và thực hiện; các đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc Chương trình phát triển công nghiệp cấp địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và thực hiện.

Dự thảo quy định rõ việc xây dựng, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt các đề án thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, căn cứ đề xuất đề án là: Mục tiêu và các nhiệm vụ được phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025; yêu cầu, chỉ đạo đột xuất của Đảng, Nhà nước và Bộ Công Thương liên quan đến phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Hồ sơ đề án bao gồm: Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án; đơn đăng ký chủ trì thực hiện đề án; thuyết minh đề án;  báo cáo tóm tắt hoạt động của đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án; hồ sơ năng lực của cá nhân đăng ký làm chủ nhiệm đề án và các cá nhân đăng ký thực hiện chính trong đề án có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; phương án huy động vốn đối ứng đối với các đề án phải có vốn đối ứng…

Đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án gửi hồ sơ đề án về Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trước ngày 31/3 của năm trước năm kế hoạch

Tiêu chí thẩm định hồ sơ đề án

Hồ sơ đề án được thẩm định theo các nhóm tiêu chí/nội dung sau: Luận giải về sự cần thiết và tính phù hợp của đề án (điểm tối đa 16); mục tiêu, đối tượng thụ hưởng và phạm vi của đề án (điểm tối đa 16); nội dung và phương án tổ chức thực hiện (điểm tối đa 20); sản phẩm và hiệu quả dự kiến của đề án (điểm tối đa 16); dự toán kinh phí thực hiện đề án (điểm tối đa 16); năng lực và kinh nghiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện đề án (điểm tối đa 16).

Căn cứ kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định và dự toán chi ngân sách cho Chương trình trong năm kế hoạch của Bộ Tài chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Cục Công nghiệp thông báo cho các đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án để chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đề án.

Đơn vị đăng ký chủ trì thực hiện đề án có trách nhiệm chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ đề án và gửi hồ sơ đề án đã hoàn thiện về Cục Công nghiệp trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Quá thời hạn nêu trên, đề án sẽ bị xóa tên khỏi Danh mục.

Trên cơ sở rà soát các hồ sơ đề án đã hoàn thiện, Cục Công nghiệp tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ hàng năm, bao gồm Danh mục đề án và dự toán kinh phí thực hiện đề án trong năm kế hoạch.

Chương trình được phê duyệt trước ngày 20/1 hàng năm và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Khánh Linh