HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,1%

10:55 08/07/2021

Mới đây, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của HSBC tiếp tục hạ xuống mức 6,1%. Trước đó, đầu tháng 3/2021, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ở mức 7%, sau đó đến đầu tháng 4/2021, HSBC hạ dự báo tăng trưởng xuống 6.6%.

Tại báo cáo mang tên "Vietnam at a glance", các chuyên gia của HSBC đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 2/2021 đạt 6,6% là do kết quả cùng kỳ năm trước rất thấp.

Thực tế, các chỉ số kinh tế phản ánh cụ thể những thách thức Việt Nam gặp phải trong bối cảnh diễn ra đợt bùng dịch nặng nề nhất từ trước tới giờ. Tổng ca nhiễm Covid-19 vượt qua mốc 20.000 ca theo thống kê mới nhất, 85% trong đó xuất hiện trong vòng hai tháng gần đây. Số ca mắc mới mỗi ngày vẫn tăng đều. Do đó, HSBC dự báo nền kinh tế sẽ còn chững lại ít nhất tới quý III/2021. 

HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,1%
HSBC tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam xuống 6,1%.

Ngành dịch vụ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đóng góp của ngành này cho tăng trưởng kinh tế giảm từ 45% trước đại dịch xuống còn khoảng 20% trong quý II/2021. Các ngành liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận tải và lưu trú, tiếp tục tình trạng ảm đạm. Việt Nam đã nhanh chóng siết chặt biên giới hơn kể từ đợt bùng dịch gần đây, ngành hàng không đã bị ảnh hưởng rõ rệt với số lượng chuyến bay ở sân bay Hà Nội giảm 50% từ quý I/2021. Đồng thời, ngành dịch vụ ăn uống cũng bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu là do lệnh cấm bán hàng ăn uống tại chỗ tại các thành phố lớn.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu trồi sụt. Mặc dù không có dữ liệu về tiêu dùng cá nhân trong quý, HSBC đưa ra số liều về doanh số của ngành bán lẻ để tham chiếu. Trong khi ngành bán lẻ vẫn tăng trưởng tích cực ở mức 3.4% trong quý 2/2021 so với cùng kỳ năm trước, kết quả này có được là nhờ mức giá cơ sở thấp trong cùng kỳ năm ngoái.

Thực tế, kể từ đợt bùng dịch Covid-19 thứ 4, số liệu tháng 5 và 6 cho thấy tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp hai tháng so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu này phản ánh mức độ ảnh hưởng của đợt bùng dịch này nghiêm trọng hơn nhiều so với hai đợt trước. Nói chung, khả năng đi lại của người dân ở Việt Nam đã giảm mạnh tương đương 30% so với trước đại dịch, mức giảm cao thứ hai so với các nước ASEAN.

Ngoài ra, đợt bùng dịch này khiến điểm yếu của thị trường lao động càng trầm trọng thêm. Theo đánh giá chung, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,4% trong quý I/2021 lên 2.6% trong quý II/2021, với tổng số lượng việc làm giảm 65.000 lao động so với quý trước, hoặc thấp hơn 9% so với trước đại dịch. Khác với các nước phát triển đã áp dụng giải pháp trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho hộ gia đình, những nước đang phát triển như Việt Nam có khả năng phải chờ một thời gian khá dài mới chứng kiến tiêu dùng trong nước tăng rõ rệt cho đến khi thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn và bền vững.

 Linh Anh