HoREA: Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” dùng bất động sản để rửa tiền

15:37 27/04/2021

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh - HoREA đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để “rửa tiền”.

Thông tin từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh - HoREA, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, tuy có cao hơn tăng trưởng tín dụng chung chỉ tăng 2,93%, nhưng không quá bất thường. Từ đó, câu hỏi lớn đặt ra là nguồn vốn đầu tư rất lớn làm cho thị trường bất động sản sốt nóng "ảo" hiện nay đến từ đâu?

Báo cáo của HoREA nêu rõ, ngoài nguồn tiền nhàn rỗi, tiền để dành, vàng cất giữ trong dân, tiền từ chốt lời chứng khoán và nguồn tiền “kiều hối” (khoảng 20% “kiều hối” đầu tư vào bất động sản), và "đề nghị Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” (có nguồn gốc tội phạm, hoặc có thể do tham nhũng) mua bất động sản để “rửa tiền”.  

Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” dùng bất động sản để rửa tiền
Nhà nước cần quan tâm để kiểm soát chặt nguồn “tiền bẩn” dùng bất động sản để rửa tiền.

Theo đó, tỷ trọng vay xây nhà, sửa nhà, mua nhà để ở chiếm khoảng 13% tín dụng tiêu dùng, nhưng khi thị trường bất động sản sốt nóng “bong bóng”, thì sẽ có một phần vốn không nhỏ được sử dụng để “lướt sóng”.

Theo các chuyên gia, thổi giá bất động sản theo quy hoạch đã để lại nhiều hệ luỵ khó giải quyết về sau; trong đó, có việc mặt bằng giá đã được “kênh” lên ở mức cao, không thực tế với giá trị thực. Người mua nhà có nhu cầu ở không đủ sức mua, trong khi đa số là các nhà đầu tư lướt sóng, mua đi bán lại kiếm lời. Điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ bóng bóng, tồn kho bất động sản, nợ xấu ngân hàng vì đa số người mua bất động sản đi vay tín dụng.

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại chịu trách nhiệm và tăng cường kiểm soát việc sử dụng vốn vay tiêu dùng đúng mục đích vay, để góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh. 

Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu Sở Xây dựng thành phố tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến của thị trường bất động sản, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra “sốt” giá và tình trạng “bong bóng”.

Sở Xây dựng xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn, đảm bảo kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy định về đầu tư kinh doanh bất động sản.

Hà Linh