Hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Mỹ: Đánh thức tiềm năng

00:00 12/10/2020

Từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hợp tác về kinh tế - đầu tư - thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không ngừng phát triển. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư Mỹ.

Ở chiều ngược lại, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực của Việt Nam.
Xuất siêu tăng nhanh
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2015, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 38 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ 7,1 tỷ USD. Với kết quả này, mức xuất siêu của Việt Nam với thị trường Mỹ lên tới 31 tỷ USD, trong khi năm 2014 mới chỉ là 24,9 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ trong quý I/2016 đạt gần 1 tỷ USD. Ảnh: Mạnh Dũng
Kim ngạch xuất khẩu giày dép vào thị trường Mỹ trong quý I/2016 đạt gần 1 tỷ USD. Ảnh: Mạnh Dũng
Khi nói về triển vọng XK hàng hóa sang thị trường Mỹ, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: Mỹ là thị trường lớn, tạo cơ hội cho DN tiêu thụ hàng hóa. Chẳng hạn với mặt hàng giày dép, kim ngạch XK của Việt Nam năm 2015 đạt 12,01 tỷ USD thì riêng thị trường Mỹ đã là 4,08 tỷ USD (chiếm 33,94%). Trong quý I/2016, kim ngạch XK mặt hàng này vào thị trường Mỹ cũng đã đạt gần 1 tỷ USD. Theo tính toán của Hiệp hội Da giày Việt Nam, thị phần giày dép Việt Nam đang chiếm 12%, đến năm 2019 có thể tăng lên mức 22%, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu kim ngạch XK vào Mỹ đạt 300 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù trong quá trình XK hàng hóa vào Mỹ, DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn do những quy định khắt khe về kỹ thuật và chất lượng, nhưng đây là điều đáng mừng. Bởi một khi hàng hóa của Việt Nam đã xâm nhập được thị trường Mỹ sẽ có cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn nhiều để vào các thị trường khó tính khác. Việc Việt Nam liên tục xuất siêu sang Mỹ cho thấy sự cố gắng của DN trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó đáp ứng những đòi hỏi kỹ thuật của phía Mỹ.
Điểm đến đầu tư hàng đầu
Theo số liệu thống kê, đến nay, các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào Việt Nam gần 700 dự án với tổng vốn 11,1 tỷ USD, xếp thứ 7 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Nhiều tập đoàn hàng đầu Mỹ như Microsoft, Intel, Ford, P&G…, hàng loạt thương hiệu lớn trong lĩnh vực thực phẩm, giải khát như KFC, Burger King, Pizza Hut, Starbucks, Coffee Bea & Tea Leaf, McDonalds… đã có mặt tại Việt Nam. Mới đây nhất, Tập đoàn Apple cũng bày tỏ ý định đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển lớn ở Việt Nam. Điều đó cho thấy Việt Nam đang trở thành điểm đến của DN Mỹ trong quá trình tìm kiếm thị trường đầu tư mở rộng sản xuất.
Sự hấp dẫn của Việt Nam được khẳng định khi cuối năm 2014, “người khổng lồ” Microsoft quyết định chuyển nhà máy sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam, đưa Việt Nam thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn. Cũng trong lĩnh vực này, hãng sản xuất máy tính hàng đầu thế giới Intel đã quyết định lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư. Năm 2015, Tập đoàn P&G - chiếm thị phần rất lớn trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng với các nhãn hiệu như nước giặt Ariel, nước xả Downy, tã giấy Pampers, bột giặt Tide, dầu gội Head & Shoulders…, sau khi cân nhắc môi trường đầu tư của nhiều nước đã quyết định đầu tư 100 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất dao cạo Gillette tại tỉnh Bình Dương của Việt Nam...
Theo đánh giá của Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam): Việt Nam có hệ thống pháp lý chặt chẽ, minh bạch, hợp lý và nhất quán, hệ thống hải quan và thuế dễ dàng, thuận lợi… Qua đó, các nhà đầu tư, thương nhân và khách du lịch có thể tiếp cận thị trường Việt Nam với chi phí tối thiểu và điều kiện thuận tiện nhất. "Tuy nhiên, trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuẩn bị các điều kiện giúp cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được thuận lợi” - AmCham Vietnam kiến nghị.
Tại buổi tọa đàm xúc tiến đầu tư, thương mại “Gặp gỡ Hoa Kỳ” do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức, lãnh đạo TP đã cam kết, Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, minh bạch, thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp. Đặc biệt, tạo thuận lợi cao nhất để các nhà đầu tư, trong đó có các DN Mỹ đến Hà Nội kinh doanh và đầu tư, góp sức xây dựng Hà Nội trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hiệu quả.
Lê Nam/Kinhtedothi.vn