Họp báo Chính phủ tháng 10: Giải đáp các vấn đề về đầu tư công, xử lý nợ xấu, gói hỗ trợ DN

22:51 30/10/2020

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nợ xấu; quy hoạch, hướng dẫn xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng sạt lở; việc doanh nghiệp tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động; giá nhà ở tại các địa phương đang cao hơn thu nhập trung bình người lao động; tác động của con người đối với thiên tai vừa qua... là những vấn đề báo giới đặt ra tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, diễn ra chiều tối 30/10 đã được đại diện các bộ giải đáp.

Họp báo Chính phủ thường kỳ 10/2020

Giải ngân đầu tư công chịu ảnh hưởng mưa lũ

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, giải ngân vốn đầu tư công là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm 2020.

Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tăng rất mạnh, đạt trên 68% kế hoạch được giao, cao hơn 14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 10 điểm phần trăm so với 9 tháng năm 2020.  Đây là kết quả của một loạt giải pháp Chính sách của Chính phủ từ đầu năm đến nay.

“Đây là thể hiện kết quả đáng khích lệ, là kết quả của một loạt giải pháp chính sách của Chính phủ thực hiện từ đầu năm,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Về giải pháp từ nay đến cuối năm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định, các giải pháp đã đưa ra từ đầu năm đến nay hoàn toàn đúng đắn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ tiếp tục các giải pháp đã đề ra. Theo tính toán hiện nay đã giải ngân 68%, còn 32% trong 3 tháng còn lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng tỷ lệ giải ngân sẽ đạt cao trong năm 2020.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phương cũng nhìn nhận, với miền Trung – vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước vừa qua chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lũ khiến nhiều công trình hạ tầng kinh tế- xã hội bị thiệt hại sẽ làm ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công của khu vực này. Qua đó tác động phần nào đến kết quả giải ngân cả nước.

Tuy nhiên với kết quả 10 tháng qua, với sức ép tiến độ công trình và kết quả giải ngân lớn từ đầu năm đến nay thì tỷ lệ giải ngân sẽ đạt khả quan.

Kinh tế khó khăn, nợ xấu phát sinh

Trả lời vấn đề nợ xấu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ ngày 15/8/2017 -  ngày hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu đến hết tháng 9/2020, các ngân hàng thương mại đã xử lý 312,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, xử lý nội bảng đạt 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng nợ xấu và xử lý các khoản nợ hạch toán ngoài kế toán 74,9 nghìn tỷ đồng. Các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng nhìn nhận, có những ngân hàng thời gian vừa qua nợ xấu tăng lên do trong 9 tháng năm 2020 là thời gian đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế.

Hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính, người vay tiền là doanh nghiệp và người dân. Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn, nguồn thu sụt giảm thì khả năng trả nợ gặp khó. Đây là nguyên nhân nợ xấu tăng lên.

Ngoài ra một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.

Thời gian qua, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động vào cuộc, ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, chưa biết thời điểm kết thúc sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh thương mại dịch vụ. Trong điều kiện đó, nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng.

Để kiểm soát nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết, về phía Ngân hàng Nhà nước đã giao các đơn vị chức năng đánh giá, dự báo phân tích, đề ra các biện pháp ứng phó làm sao quản lý để hoạt động của các tổ chức tín dụng luôn đảm bảo an toàn, phát huy vai trò trung gian nền kinh tế.

Nới lỏng điều kiện gói cho vay 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Trả lời báo chí về việc doanh nghiệp tiếp cận gói vay 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Nghị quyết 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 32/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đã bổ sung đối tượng được hỗ trợ là giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non đến trung học phổ thông dân lập, tư thục…

Các quy định này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, đó là giảm điều kiện về doanh thu, khả năng tài chính, chỉ cần giảm từ 20% là đủ điều kiện; nới đường biên về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Ngày 19/10 Chính phủ ban hành Nghị quyết thì ngày 20/10, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có văn bản hướng dẫn đến tất cả các ngân hàng địa phương triển khai việc cho vay.

Ngày 23/10, Ngân hàng này đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến đến tất cả chi nhánh, các đại diện quận, huyện, xã về gói cho vay này.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn hướng dẫn về tạm ngừng đóng bảo hiểm hưu trí cho doanh nghiệp, đề nghị các địa phương triển khai Nghị quyết 154 cũng như Quyết định 32. Các doanh nghiệp hiện đang làm thủ tục.
“Điều kiện bây giờ cũng dễ hơn. Trước kia yêu cầu doanh nghiệp phải lấy giấy xác nhận nhưng giờ chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tức là tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay, nên thời gian cho vay rất nhanh. Tôi tin trong tuần tới việc cho vay sẽ được tiến hành”, ông Lê Văn Thanh thông tin.

Lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

 Liên quan đến tình hình mưa lũ, sạt lở đất xảy ra rất nghiêm trọng tại miền Trung, báo chí đề cập đến việc năm 2017 đã xảy ra tình trạng này và cũng đã có nhiều cảnh báo được đưa ra.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, gió bão thường xảy ra ở khu vực biển với khoảng cách 30-50 km từ bờ biển vào. Đối với hình thái thiên tai này, chúng ta đã có giải pháp công trình để có thiết kế cho phù hợp.

Qua khảo sát, nhà có 3 cứng (sàn cứng, tường cứng, mái cứng) cơ bản là chịu được các gió bão; đổ vỡ chủ yếu là nhà cấp 4, mái tôn, cổng chào, mái kính...
Về lũ lụt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.

Thực tế, đã xây dựng được trên 3.200 nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ, vừa rồi phát huy tốt.

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để nhân rộng, phát triển thêm mô hình này. Đây cũng là một giải pháp khả thi thực hiện được, nhưng cần có nguồn lực.
Đối với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định “không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được”. Theo ông, đối với việc xây mới, giải pháp quan trọng là lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
“Hiện nay, chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000, xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho hay.

Còn đối với những công trình đã xây dựng, ông cho rằng, một là rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác; hai là cần có hướng dẫn. Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, có hướng dẫn cụ thể để người dân có thể nhận được cảnh báo.

“Đối với lũ quét, sạt lở đất, người dân nên nhận được những chỉ dẫn rất đơn giản về vấn đề địa chất, trung văn… trong bán kính khoảng 500 m. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ khác tiến hành việc này”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Giá nhà ở còn cao so với thu nhập người dân

Thông tin về giá nhà ở còn cao so với thu nhập người dân, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, hiện đã có một loạt giải pháp.  Trước hết, với nhà xã hội có khung giá từ 15 đến 20 triệu đồng/m2 và đã có đầy đủ cơ chế chính sách, vấn đề là đẩy nhanh các dự án để thực hiện nguồn cung này.

Tiếp theo là Bộ Xây dựng có đề xuất chính sách nhà ở thương mại giá rẻ với mức từ 20-28 triệu đồng/m2, diện tích dưới 45m2 tạo nguồn cung cho loại nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được. Với nhà ở thương mại thông thường giá từ 30-45 triệu đồng/m2 thì do thị trường quyết định.

Với loại hình này, theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng cách giải quyết là đảm bảo nguồn cung và minh bạch thông tin. Theo đó, làm sao thông tin được thực hiện từ nhà đầu tư đến người mua, qua đó tránh khâu trung gian, môi giới, đầu cơ.

Gia Gia