Hồng Kông đặt cược vào nền kinh tế giao dịch chứng chỉ carbon

22:04 20/11/2021

Với tư cách là một trong những trung tâm tài chính quốc tế, Hồng Kông có vị thế và điều kiện phát triển để trở thành điểm đến hàng đầu về tài chính khí hậu của khu vực.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Để khai phá nền kinh tế giao dịch chứng chỉ carbon, Hồng Kông cần thiết lập tiêu chuẩn và quản lý rủi ro đối với hoạt động kinh doanh tiềm năng mới. Đặc biệt, buôn bán chứng chỉ carbon tự nguyện do khu vực tư nhân định hướng được nhận xét có khả năng bùng nổ và mang lại cơ hội lớn. Các cơ quan quản lý chứng khoán tại đây đã thành lập nhóm công tác dự kiến hoàn thành báo cáo trong tháng tới đánh giá tính khả thi trở thành trung tâm giao dịch carbon tại Vùng Vịnh Lớn, bao gồm chín thành phố của tỉnh Quảng Đông, Hồng Kông và Ma Cao.

Martin Hennecke, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á của St. James's Place Wealth Management có trụ sở tại Anh, cho biết: “Tiềm năng phát triển của lĩnh vực này là rất lớn, với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, Hồng Kông hoàn toàn có thể đạt được vị trí dẫn đầu trong nhiều công nghệ năng lượng sạch và các mục tiêu đầy tham vọng cũng như vượt lên các đối thủ cạnh tranh”. Theo ông, Hồng Kông sở hữu thị trường chứng khoán lớn thứ ba châu Á và lớn thứ tư thế giới về ngoại hối, có thể đạt được mục tiêu bằng cách tung ra các dẫn xuất tín dụng carbon cho các nhà đầu tư ở Trung Quốc đại lục và nhiều nơi khác. Khu vực nhận được hậu thuẫn mạnh mẽ từ hợp tác giữa Sở giao dịch hàng hóa kỳ hạn Quảng Châu và Hong Kong Exchanges and Clearing Limited để giao dịch các hợp đồng tương lai bằng tín dụng carbon.

Trung Quốc là quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới vào năm ngoái, chịu trách nhiệm về 30% lượng khí thải, đã thiết lập một sàn giao dịch carbon bắt buộc ở Thượng Hải vào tháng 7 để thúc đẩy định không phát thải ròng vào năm 2060. Bill Kentrup, người đồng sáng lập Công ty khởi nghiệp Allinfra ở Hồng Kông, chuyên cung cấp các công cụ kỹ thuật số giúp tài chính carbon hiệu quả hơn, kỳ vọng một số nền tảng giao dịch carbon sẽ “có ý nghĩa đối với toàn cầu” và các sản phẩm đầu tư carbon ra mắt thành công trong vòng ba năm tới.

Có hai loại chế độ kinh doanh carbon. Một số do chính phủ thành lập để thực thi cắt giảm phát thải bắt buộc, trong khi số khác là các chương trình tự nguyện do khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ (NGO) thúc đẩy. Cả hai đều sử dụng các lực lượng thị trường để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Các kế hoạch của khu vực tư nhân chủ yếu nhắm vào các công ty và tổ chức đang tìm cách đáp ứng các mục tiêu khử cacbon thông qua “bù đắp carbon” bằng cách mua các khoản tín dụng từ các chủ dự án để bù đắp sự thiếu hụt trong việc giảm lượng khí thải.

Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc đã đi đến thỏa thuận vào cuối tuần trước, cho phép các quốc gia sử dụng các khoản tín dụng bù đắp từ nước khác để đáp ứng một phần các mục tiêu khí hậu. Công nhận tín dụng carbon trên toàn cầu được đánh giá là một bước đột phá khi mang lại các giao dịch tích cực hơn và lớn hơn giữa những người chơi trên khắp thế giới.

Nhu cầu về chứng chỉ carbon dự kiến ​​sẽ tăng vọt trong những thập kỷ tới, khi hàng nghìn công ty công bố các mục tiêu đầy tham vọng nhằm thu nhỏ “dấu chân” carbon để phù hợp với các nỗ lực khí hậu toàn cầu. Theo báo cáo của Carney, các dự án trên thế giới cần loại bỏ tổng cộng 2 tỷ tấn khí thải khỏi bầu khí quyển, đòi hỏi khối lượng bù đắp tăng gấp 15 lần vào năm 2030 so với mức của năm 2019. Dự báo của ngân hàng Đức, Berenberg chỉ ra thị trường giao dịch chứng chỉ carbon sẽ có giá trị lên tới 50 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục tăng gấp bốn lần lên 200 tỷ đô vào năm 20150.

Các giao dịch tín dụng tự nguyện hiện chủ yếu được thực hiện thông qua đàm phán song phương. Một số giao dịch được thực hiện thông qua các nền tảng như Sàn giao dịch AirCarbon của Singapore ra mắt vào năm 2019. Sở Giao dịch Chứng khoán London đã thông báo phát triển một giải pháp thị trường vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc niêm yết công khai các quỹ carbon.

Giao dịch tín dụng tự nguyện tăng trưởng như vũ bão với khối lượng giao dịch những năm 2020 tăng 80%. Kể từ năm 2005, tổng cộng 1,74 tỷ đô la Mỹ giao dịch đã được ghi nhận. Trong tám tháng đầu năm nay, 172 công ty đã giao dịch tự nguyện 293 triệu tấn chứng chỉ với giá trung bình 3,1 USD / tấn. Theo báo cáo của Trove Research và University College London, giá sẽ tăng lên 20 đến 30 đô la Mỹ / tấn vào năm 2030 nhằm nỗ lực giảm phát thải.

Một cột mốc quan trọng trong quy định toàn cầu về tài chính bền vững ghi nhận ngày 3/11 vừa qua cho biết, các nhà xây dựng tiêu chuẩn quốc tế đồng thuận và thống nhất các quy tắc. Ashley Alder, Giám đốc điều hành của Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai của Hồng Kông kiêm Chủ tịch của Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán dự kiến ​​các tiêu chuẩn nguyên mẫu sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Điều này sẽ giúp xây dựng một nền tảng vững chắc để phát triển tài chính xanh, bao gồm các sản phẩm đầu tư được hỗ trợ bởi tín dụng carbon ở Hồng Kông. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nhận thức được tính minh bạch, tính thanh khoản và rủi ro công nghệ của các dự án giao dịch do lo ngại liên quan đến các vấn đề quản lý và đo lường phức tạp.

Thục Anh