Hội nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ: Cho ý kiến đối với một số nội dung quan trọng

06:30 06/11/2021

Ngày 5/11/2021, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy họp, cho ý kiến vào Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 74-NQ/TU ngày 27/6/2019; Quy định miễn, giảm tiền thuê đất và giá thuê cơ sở vật chất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ - Bùi Minh Châu khẳng định: Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chuyển dịch đúng hướng; đổi mới tổ chức sản xuất, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung; thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, nâng cao tính chủ động của người dân trong sản xuất.

Nhất trí với chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát, đồng thời tiếp thu các ý kiến để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện. 

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, việc xây dựng chính sách cần tính toán lựa chọn các nội dung phù hợp, mang lại hiệu quả tác động cao và có tính lan tỏa để tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, tránh dàn trải. Đảm bảo công khai, công bằng, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.

“Chính sách khi ban hành cần phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi và huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của chính sách để người dân biết, nắm rõ chủ trương, đồng thuận triển khai thực hiện hiệu quả” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Ngoài việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng chính sách, đồng chí yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, thủ tục, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn trong quá trình quản lý, tổ chức sản xuất, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các cơ quan chuyên môn liên quan cần tiến hành khảo sát, thẩm định kỹ càng các nội dung trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp tới. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Hồ Đại Dũng làm rõ thêm các nội dung về Quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ- Hồ Đại Dũng làm rõ thêm các nội dung về Quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh.

Nhất trí với Tờ trình về việc Quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Công tác xã hội hóa lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước với nhiều loại hình và phương thức hoạt động mới, đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung của Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND ngày 20/10/2016 của UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, đánh giá lại các nội dung về đối tượng, lĩnh vực, ngành nghề cần khuyến khích xã hội hóa; khắc phục các mặt còn tồn tại, không hiệu quả trong vận dụng và triển khai thời gian qua để quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi và đúng quy định của pháp luật.

Cho ý kiến về Kế hoạch thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ chưa có trong tiền lệ, do đó việc xây dựng Kế hoạch cần phải bám sát Quyết định số 817/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam với tầm nhìn dài hơi, lấy người dân làm chủ thể. Căn cứ quy hoạch tổng thể thành phố Việt Trì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện, bố trí nguồn lực phù hợp.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Khi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch phát triển chung của thành phố Việt Trì cần tập trung vào các tiêu chí về văn hóa, lễ hội, du lịch, dịch vụ…; mở rộng không gian đô thị ở những khu vực lân cận. Khẩn trương rà soát, di dời các cơ sở sản xuất đã hết thời gian đầu tư, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi địa bàn thành phố. Cùng với đó, huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, cộng đồng người dân trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị đặc trưng vùng Đất Tổ.

Đánh giá cao các nội dung của Đề án nâng cao năng lực hoạt động ngành Y tế, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Các nội dung của Đề án cần phải bám sát các nhiệm vụ, yêu cầu trong tình hình mới. Từ thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, cần tiếp tục chú trọng phát triển y tế từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững. Nâng cao toàn diện năng lực và chất lượng các hoạt động, trong đó cần chú trọng nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế tuyến cơ sở; kết hợp hài hòa giữa phát triển y tế công lập với y tế ngoài công lập… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu bảo về, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. 

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ trình bày Đề án nâng cao năng lực hoạt động ngành Y tế tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ trình bày Đề án nâng cao năng lực hoạt động ngành Y tế tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thực hiện Nghị quyết số 74 của BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết 05). Sau gần 2 năm thực hiện (2020 - 2021), tỉnh đã hỗ trợ 4 dự án sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu chè xanh Phú Thọ; 8 dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ trồng mới bưởi đạt 636,2ha; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên cây bưởi thời kỳ kinh doanh ước đạt 2,2 nghìn ha. Hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ lớn ước đạt 1.0003,8ha; cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt trên 17,7 nghìn ha với tổng kinh phí hỗ trợ ước đạt 44,64 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh là 42,2 tỷ đồng.

Trên cơ sở nguồn lực của tỉnh dự kiến hỗ trợ mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất điều chỉnh, bổ sung 4 chính sách mới so với Nghị quyết số 05 gồm: Hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ phát triển cây quế trên địa bàn các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn; hỗ trợ thưởng sản phẩm đạt chuẩn OCOP; hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Đề nghị bãi bỏ chính sách hỗ trợ đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Về Quy định chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường trên địa bàn tỉnh, mục tiêu là tạo điều kiện để cơ sở thực hiện xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường, từ đó tăng cường thu hút vốn của doanh nghiệp và giảm chi ngân sách nhà nước. Quy định gồm các chính sách miễn, giảm tiền thuê đất và giá thuê cơ sở vật chất đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể thao, môi trường; chính sách phát triển cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục.

Về Kế hoạch thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Trong đó, tập trung hoàn thành Quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030 phù hợp với Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; khôi phục, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, các điển tích lịch sử, các trò chơi dân gian có ý nghĩa giáo dục và nghệ thuật cao; tôn tạo, phát triển các làng nghề truyền thống, hình thành khu phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực và các sản phẩm chất lượng phục vụ du lịch; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường, cảnh quan thiên nhiên “Sáng - xanh - sạch - đẹp”; xây dựng nếp sống văn minh, đô thị văn minh, hiện đại, xây dựng hình ảnh, phong cách công dân Việt Trì “Thân thiện, thanh lịch, mến khách, giàu tính nhân văn, mang đậm tình người Đất Tổ”; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, kết nối các tour, tuyến du lịch…

Đối với Đề án nâng cao năng lực hoạt động ngành Y tế tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển y tế từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế là một trung tâm mạnh về y tế của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Đề án đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Đạt 50 giường bệnh/vạn dân; phát triển Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành hạng đặc biệt; 100% trạm y tế tuyến xã có bác sỹ phục vụ và đạt tiêu chí Quốc gia giai đoạn mới; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 93%... Đến năm 2030, một số lĩnh vực y tế chuyên sâu, y tế mũi nhọn phát triển ngang tầm khu vực phát triển nhất cả nước và trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao của tỉnh trong vùng…

PV