Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tháng 5

09:20 21/05/2022

Ngày 20/5, ông Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ trì hội nghị của BTV Tỉnh ủy Hòa Bình cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.

Hội nghị đã tập trung thảo luận cho ý kiến vào dự thảo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch số 92, ngày 30/5/2017 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đưa kinh tế tỉnh sớm đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020. BCH Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch số 92 đạt kết quả, cụ thể: Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cao hơn bình quân chung của khu vực miền núi phía Bắc và bằng khoảng 92% GDP bình quân đầu người của cả nước. Cơ cấu GRDP chuyển dịch tích cực; kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách Nhà nước tăng trưởng cao; các sản phẩm công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao tiếp tục phát triển; diện tích trồng cây lương thực duy trì ổn định, diện tích trồng cây ăn quả mở rộng.

Tuy nhiên, trong 8 nhóm chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch số 92 đã đề ra, có 2 chỉ tiêu đạt và vượt, còn 5 chỉ tiêu không đạt và 1 chỉ tiêu cơ cấu kinh tế không so sánh. Cơ cấu kinh tế mặc dù đã chuyển dịch theo đúng hướng nhưng còn chậm. Trình độ phát triển KT-XH giữa các tiểu vùng chưa đồng đều. Tốc độ phát triển doanh nghiệp còn chậm, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ…

Các đại biểu cơ bản thống nhất một số giải pháp tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 92 gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, tập trung vào các giải pháp như: Nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung thực hiện kế hoạch đầu tư công, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông; cơ cấu lại các ngành kinh tế, tập trung nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của ngành kinh tế.

Cho ý kiến vào tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, dự thảo kế hoạch của BTV Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng, chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn chiến lược đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh, các đại biểu cho rằng: Trong thời gian qua, công tác quản lý và hoạt động của ngành địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chưa chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ để sử dụng tối đa giá trị khoáng sản, bảo vệ môi trường. Cần có giải pháp mạnh mẽ và thực chất hơn, phải ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị cũng cho ý kiến vào báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh về: Tiến độ các dự án trọng điểm dự kiến khởi công năm 2022; đánh giá hiệu quả hoạt động của các dự án khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; công tác chuẩn bị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy với người dân và một số nội dung quan trọng khác…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh: Năm 2022 là năm siết chặt kỷ cương, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá, các nhiệm vụ phát triển KT-XH. Giao Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp tiếp thu đầy đủ tinh thần tập thể BTV Tỉnh ủy quán triệt, chỉ đạo, đôn đốc các đảng bộ, cơ quan, đơn vị nghiêm túc thực hiện. Về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ đầu tư công bảo đảm đúng quy định của pháp luật; đối với các dự án, công trình trọng điểm phải thường xuyên cập nhật, báo cáo tiến độ, xác định rõ nguyên nhân, giải pháp phù hợp để tập trung chỉ đạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tập trung cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát lại quy chế trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), xác định rõ người chịu trách nhiệm trong chậm trễ thực hiện các TTHC, cản trở sự phát triển. Rà soát các dự án chậm triển khai, không triển khai, có cơ chế xử lý, đồng thời thu hút các dự án, nhà đầu tư có năng lực thực hiện. Đối với kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 10, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị, cần tính toán bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện; cần phải quản lý chặt chẽ, đúng quy định; rà soát lại hiện trạng của từng mỏ để có đánh giá cụ thể; chủ trương sẽ dừng việc cấp mới các mỏ khai thác khoáng sản.

Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn lưu ý, các Uỷ viên BTV Tỉnh ủy quán triệt tinh thần tập thể BTV Tỉnh ủy tới các địa bàn, lĩnh vực được phân công phụ trách, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị rà soát, phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân, có giải pháp phù hợp, đặc biệt quan tâm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, điều chuyển, kỷ luật cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu, gây khó khăn, kéo dài thời gian giải quyết TTHC. Không để tình trạng cán bộ "thờ ơ”, "vô cảm”… tất cả vì mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH, cuộc sống người dân được cải thiện tốt hơn.

Đức Phượng - VPĐD Hòa Bình