Hội nghị AEM 54: Tương lai của ASEAN tươi sáng và rõ ràng hơn!

18:55 14/09/2022

Được thành lập từ năm 1967, ASEAN hiện có 10 nước thành viên, gồm: Việt Nam, Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan.

Sáng 14/9, tại thành phố Siem Reap diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (Hội nghị AEM 54) và các hội nghị liên quan, với sự hiện diện của các Bộ trưởng phụ trách kinh tế, thương mại, đầu tư các nước ASEAN và đối tác.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đọc diễn văn khai mạc Hội nghị

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đọc diễn văn khai mạc Hội nghị.

Hội nghị AEM 54 sẽ diễn ra từ ngày 14-18/9, bao gồm cả Hội nghị Bộ trưởng Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hội nghị Bộ trưởng kinh tế Hội ​​nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Tham vấn các đối tác đối thoại của ASEAN.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ tọa cùng bài phát biểu chào mừng của Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak - Chủ tịch Hội nghị AEM 54 và phát biểu khai mạc của Thủ tướng Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen nêu rõ, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều vấn đề do dịch bệnh, chiến tranh và biến đổi khí hậu gây nên, Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2022 ưu tiên bảo đảm tính hiệu quả của ASEAN trong việc ứng phó những thách thức và rủi ro, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.

Sau lễ khai mạc, Hội nghị AEM 54 bước vào phiên làm việc vào ngày 14/9, một cuộc họp quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác và hoạt động kinh tế khu vực cũng như tăng trưởng bao trùm.

Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm các cuộc thảo luận về tiến trình hội nhập khu vực trong khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), tình hình thực hiện các nội dung kinh tế ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 với chủ đề “ASEAN hành động: Cùng nhau giải quyết thách thức”, phục hồi kinh tế hậu Covid, kinh tế đối ngoại của khối quan hệ và việc Đông Timor xin gia nhập ASEAN.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự AEM 54 và các hội nghị liên quan

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự AEM 54 và các hội nghị liên quan.

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã chia sẻ thông tin và cập nhật tình hình triển khai các biện pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, đặc biệt là việc triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN, Lộ trình Bandar Seri Bagawan về chuyển đổi số trong ASEAN để đẩy nhanh phục hồi kinh tế ASEAN và Hội nhập Kinh tế số...

Các Bộ trưởng cũng trao đổi và ghi nhận tình hình thực hiện các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2022; thảo luận về các kế hoạch, chương trình hành động dài hạn của ASEAN hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong khu vực như chuẩn bị cho việc triển khai đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), xử lý các vấn đề tồn đọng lâu năm trong thực thi Hiệp định ATIGA; khởi động đàm phán Hiệp định khung của ASEAN về cạnh tranh...

Tại các hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo kinh tế ASEAN và đối tác sẽ trao đổi về vấn đề thương mại nội vùng, chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ-công nghiệp và chia sẻ thông tin ngân hàng trung ương… Bộ Thương mại Campuchia với vai trò là chủ nhà của ASEAN năm nay đã sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với tất cả các quốc gia thành viên, các đối tác và Ban Thư ký ASEAN để thúc đẩy các nỗ lực hơn nữa nhằm xây dựng lại cộng đồng kinh tế khu vực và tăng tốc phục hồi kinh tế.

Các nhà chuyên môn nước chủ nhà Campuchia nhận định, trong tương lai, ASEAN sẽ là một Hiệp hội mạnh mẽ vì khối này có nhiều đối tác bên ngoài và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã cung cấp cho khối khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn, với 5 đối tác đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Cũng tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cấp cao quốc tế cũng đánh giá hợp tác kinh tế của ASEAN đã có những bước tiến ổn định, đây có thể được coi là một thí dụ thành công về hội nhập kinh tế của các nước đang phát triển. Thành tựu to lớn mới nhất trong hợp tác kinh tế ASEAN là sự ra đời và có hiệu lực của RCEP vào đầu năm nay, được coi là động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của khu vực sau đại dịch.

Các Bộ trưởng cũng gặp và trao đổi với Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Daren Tang và Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) về những vấn đề liên quan đến việc sử dụng sở hữu trí tuệ để giúp các công ty khởi nghiệp và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, việc tận dụng sở hữu trí tuệ để thúc đẩy xuất khẩu, đổi mới sở hữu trí tuệ, kinh tế số và các khuyến nghị của ABAC nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Đoàn Việt Nam đã đóng góp ý kiến tích cực đối với vấn đề hợp tác kinh tế nội khối ASEAN như các trọng tâm các nước ASEAN cần tập trung cho đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA, giải quyết các hàng rào phi thuế quan ở các nước ASEAN và các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nhằm thúc đẩy thương mại nội khối, đồng thời đưa ra các kiến nghị về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối trong thời gian tới nhằm đảm bảo đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN, góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đoàn Việt Nam cũng nêu quan điểm ủng hộ các sáng kiến của nước chủ nhà Campuchia hướng đến việc đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác và cam kết sẽ cùng các nước ASEAN nỗ lực để hoàn thành toàn bộ các chương trình công tác đã được các nước ASEAN thống nhất.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Công Thương đã có các buổi làm việc với Chủ tọa Hội nghị, Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak, Bộ trưởng Công Thương Lào Malaithong Kommasith và Bộ trưởng một số nước ASEAN để thúc đẩy hợp tác trong ASEAN cũng như các khuôn khổ khác.

Trong khuôn khổ Hội nghị AEM 54, nối tiếp sẽ là chuỗi các Hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các đối tác đối thoại dự kiến diễn ra trong các ngày từ 16 đến 18 tháng 9/2022.

Hợp tác kinh tế ASEAN chặt chẽ hơn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng lâu dài ở khu vực. ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến ​​và kế hoạch để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, bao gồm Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và kết thúc đàm phán RCEP. Tương lai của ASEAN tươi sáng và rõ ràng hơn trước đây nhờ sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế các quốc gia thành viên và mối quan hệ giữa các quốc gia này.

Trần Linh (T/h)