Học làm nhà lãnh đạo có tâm, có tầm!

23:55 03/11/2021

Bắt đầu sự nghiệp ở vị trí lãnh đạo đôi khi có thể là trải nghiệm “đáng sợ” hay thậm chí là quá sức. Như với bất kỳ vị trí nào khác, vấp ngã và sai lầm là những tình huống khó thể tránh khỏi trước khi tìm thấy bản ngã của bản thân. Tuy nhiên, khi nắm quyền lãnh đạo, các thử nghiệm và sai sót sẽ tác động lớn hơn đến hoạt động công ty và nhân viên. Dưới đây, 15 thành viên của Forbes Coaches Council chia sẻ một số bài học “khắc cốt ghi tâm” trong quá trình gây dựng sự nghiệp.

Các thành viên của Forbes chia sẻ những bài học

Các thành viên của Forbes chia sẻ những bài học "khắc cốt ghi tâm". (Ảnh: Forbes)

Lãnh đạo và nhân viên đồng hành phát triển

“Tôi ước ngày đó tôi nhận ra giá trị của việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với độ ngũ và cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tôi đã xem nhẹ nhân viên khi cho rằng họ chỉ làm các công việc phụ trợ mà không biết chính những người này giúp tôi phát triển. Khi trở thành lãnh đạo, tôi cho mọi người biết tôi luôn có mặt để bảo vệ sự nghiệp cho từng con người trong đội ngũ. Họ thăng tiến có nghĩa là tôi đang làm điều đúng đắn” – Don Pippin, chức vụ quản lý tài năng.

Thích ứng linh hoạt với mọi tình huống

“Các nhà lãnh đạo cần biết cách linh hoạt, thích ứng với mọi tình huống. Không phải ai cũng phù hợp làm lãnh đạo. Một nhà cầm quyền giỏi phải là những người hiểu cần phải làm gì, phân chia công việc cho cấp dưới ra sao để tạo ra sự khác biệt. Nếu bạn có xác định chính xác tình huống hiện có và điều chỉnh phù hợp với mục tiêu, nhu cầu, bạn sẽ thành công” – Dan Ryan từ tập đoàn Ryan.

Tự nhận thức là chìa khóa

“Khả năng lãnh đạo tuyệt vời bắt đầu từ chính bạn. Nhưng trước tiên, đó là về việc trau dồi khả năng tự nhận thức, đòi hỏi xem xét cách thể hiện và những gì bản thân bạn truyền đạt cả về mặt cảm xúc và năng lượng. Trong lãnh đạo, nhận thức về sự hiện diện của chính mình thường là chi tiết bị bỏ qua nhiều nhất nhưng cũng là chìa khóa vàng mở ra thành công” – Lori Kuhn từ công ty phát triển con người, Thrive.

Không chỉ là về người lãnh đạo

Lãnh đạo không phải chỉ xoay quanh người nắm quyền lực mà còn là những cấp dưới do người đó chỉ huy và dẫn dắt, Điều này nghe có vẻ mơ hồ nhưng trên thực tế, càng tập trung nhiều hơn vào sự phát triển của đội ngũ, giúp họ phát huy tiềm năng, bạn càng đạt được nhiều thành công hơn. Chắc chắn rằng người lãnh đạo cần trau dồi bản thân nhưng nếu chỉ tập trung vào đó sẽ là không đủ” – Jonathan H.Westover, Đại học Thung lũng Utah & Đổi mới nguồn nhân lực, LLC.

Lãnh đạo không nhất thiết phải là người thông minh nhất

“Các nhà lãnh đạo thường không phải là những người thông minh nhất. Hầu hết ta đều cho rằng những chức danh và cấp bậc là đủ để tạo ra một “sếp” theo tiêu chuẩn. Trong quá trình phát triển, tôi học được rằng điều này không hoàn toàn đúng. Làm việc chăm chỉ, trung thực, giao tiếp tốt và khiêm tốn là những dấu hiệu nổi bật của một nhà lãnh đạo, bất kể trình độ hay cấp bậc. Những nhà lãnh đạo vĩ đại không bao giờ muốn trở thành người thông minh nhất” – Melanie Towey từ Melanie Anne, LLC.

Lãnh đạo tốt là những người minh bạch

“Các nhà lãnh đạo giỏi nhất biết thừa nhận sai lầm, hy vọng sự tha thứ và biến nguy cơ thành cơ hội. Cố gắng để trông thật hoàn hảo sẽ khiến môi trường căng thẳng, thiếu lành mạnh. Thông qua sự minh bạch, bạn sẽ xây dựng được các mối quan hệ bền chặt hơn cũng như một môi trường văn hóa doanh nghiệp đúng đắn”- Lisa Marie Platske, Upside Thinking, Inc.

Lắng nghe và tôn trọng nhân viên tuyến đầu

“Lắng nghe phản hồi của nhân viên tuyến đầu không chỉ là nhiệm vụ của người quản lý. Thực tế là nếu người quản lý báo cáo lại một câu chuyện với lãnh đạo và nhân viên báo cáo một câu chuyện khác, rõ ràng là có vấn đề ở cấp trung gian. Thông thường các nhân viên tuyến đầu là người đưa ra giải pháp cho tổ chức. Họ phải được lắng nghe và tôn trọng theo đúng cách mà các nhà lãnh đạo tôn trọng lẫn nhau” - Jay Rai từ jayrai.com.

Trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại là cuộc chạy đua marathon, không phải chạy nước rút

“Để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, bạn cần có động lực. Bạn cần thử thách bản thân và luyện tập sự gan góc mỗi ngày. Trở thành một nhà lãnh đạo không phải là một cuộc chạy nước rút; đó là một sự chặng đường dài giúp bạn trưởng thành và vươn xa” – Nick Leighton.

Tồn tại sự khác biệt lớn giữa lãnh đạo và quản lý

“Lãnh đạo là một môn nghệ thuật. Quản lý là một ngành khoa học. Lãnh đạo là về con người. Quản lý là bao quát mọi thứ. Làm sêp cần phải dựa vào các hành vi và giá trị để lãnh đạo, sử dụng kỹ năng kiến thức để quản lý. Hiểu được sự khác biệt này sẽ mang lại lợi thế to lớn và giúp bạn tập trung vào khả năng lãnh đạo” - Luis Costa.

Mỗi nhà lãnh đạo cần xây dựng phong cách riêng

“Lãnh đạo không phải cứ bắt chước là được. Đơn giản, đó là bởi vì đây chỉ là những bản phác thảo về kiểu nhà lãnh đạo mà bạn có thể trở thành, ao ước trở thành. Lãnh đạo thực thụ là kết hợp những đặc điểm này cùng với trí thông minh trời ban cùng sở thích của chính bạn” -  Arthi Rabikrisson, cố vấn của Prerna.

Không được để thời gian chết

“Khi tôi mới bắt đầu sự nghiệp, có lẽ tôi phải sớm biết rằng một khi là nhà lãnh đạo sẽ luôn luôn trong tâm thế lãnh đạo. Tức là không được để thời gian chết. Bạn bắt buộc phải đi trước ba bước. Học cách đọc vị và định vị bản thân với tâm thế người đứng đầu giúp bạn phát triển hơn người” – Jon Dwoskin.

Học điều tốt từ “người xấu”, tại sao không?

“Đúng vậy, bạn có thể học được từ những người lãnh đạo tồi nhiều hơn từ những người giỏi. Trong mọi trường hợp, hãy ghi lại những hành vi mà bạn muốn noi theo và những gì bạn hy vọng mình sẽ không bao giờ làm. Trước tiên hãy quan tâm đến nhân viên và họ sẽ làm việc chăm chỉ cho bạn. Ngược lại, cấp dưới sẽ không bao giờ để bạn dẫn dắt” – Tiến sĩ Teresa Ray.

Trao quyền con người

“Một điều khiến tôi ngạc nhiên về khả năng lãnh đạo không phải việc gì cũng xắn tay vào. Lãnh đạo phải biết dùng người, chỉ cho họ hướng đi và để nhân viên tự biết kiểm soát công việc” – Rakish Rana.

Đạo đức cũng quan trọng như năng lực

“Bên cạnh các năng lực chuyên môn, khía cạnh đạo đức của lãnh đạo được đánh giá là yếu tố quan trọng nhất. Bạn phải làm gương và thực hiện công việc của mình với tính chính trực cao. Điều này không đồng nghĩa với áp lực luôn luôn phải làm đúng. Nhận sau và chịu trách nhiệm cũng là hành vi đạo đức đúng đắn mặc dù tính tổn thương cao” – John M. O’Connor, Career Pro Inc.

Các nhà lãnh đạo chỉ truyền cảm hứng, không phải thay đổi một con người

“Là một nhà lãnh đạo trẻ, tôi nghĩ mình có thể lãnh đạo bằng cách làm gương và thay đổi ai đó để họ trở thành những nhân viên tốt hơn. Cuối cùng tôi nhận ra rằng điều này hoàn toàn sai lầm. Mọi người phải tự mình lựa chọn để thay đổi. Điều tôi học được là nếu học cách thay đổi cách tiếp cận của chính mình, nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng cho những người khác. Tự nhận thức và làm chủ là cách tốt nhất để giúp người khác cải thiện” - Christie Garcia.

Anh Đức