Hỗ trợ doanh nghiệp SME đưa các sản phẩm gắn với các địa danh của Việt Nam vươn ra thế giới

23:05 05/04/2021

Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết: Thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là “Sở hữu trí tuệ với doanh nghiệp nhỏ và vừa - mang ý tưởng đến với thị trường”. Đây là thông điệp được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) lựa chọn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch này.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Tổng Cục trưởng Naoko Munakata ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí và Tổng Cục trưởng Naoko Munakata ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản.

Dẫn câu chuyện thực tế về vải thiều Lục Ngạn - một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang mới được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, ông Đinh Hữu Phí chia sẻ: Trong khuôn khổ Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, vải thiều Lục Ngạn là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tại Nhật Bản, viết tiếp câu chuyện về các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, góp phần quảng bá cho một đất nước Việt Nam nhiều sản phẩm đặc thù, có danh tiếng, chất lượng cao, có một nền nông nghiệp phát triển.

“Đây là một minh chứng rõ nét của mô hình sử dụng sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm gắn với các địa danh của Việt Nam vươn ra thế giới” - ông Đinh Hữu Phí nói, đồng thời bày tỏ, trong toàn bộ những nỗ lực của hệ thống chính trị, nhiều ngành, nhiều thành phần và khu vực kinh tế đó, Cục Sở hữu trí tuệ đóng góp một phần công sức quan trọng đem lại những lợi thế bằng sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là trong trường hợp vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý vừa mới đây. 

Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò là đối tượng được phục vụ trọng tâm của nền kinh tế. “Tôi hi vọng những nỗ lực của chúng tôi sẽ thu được những kết quả tốt đẹp với số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng mạnh, tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp này về hành lang pháp lý minh bạch, thuận lợi, chất lượng của công tác xử lý đơn được nâng cao, góp phần thúc đẩy thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế đất nước” - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.

Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp chặt chẽ ở nhiều cấp với các cơ quan liên quan của Nhật Bản, thông qua các kênh ngoại giao, hợp tác song phương, tác động đẩy nhanh quá trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, Cục đã hỗ trợ kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của pháp luật Nhật Bản về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, để vải thiều Lục Ngạn đến đích sớm nhất trong số 3 sản phẩm đặc thù đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - chia sẻ: Là tỉnh có thế mạnh phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phong phú, có giá trị kinh tế cao, trong những năm qua, Bắc Giang đã tập trung hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm có tiềm năng của tỉnh. "Đặc biệt, gần đây, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Chúng tôi rất kỳ vọng về xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn trong thời gian tới sẽ gia tăng cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm" - ông Mai Sơn nói.

Lâm Nghi