Hiệu ứng 'chiếc roi da'

00:00 12/10/2020

Trong kinh doanh có một khái niệm: "Hiệu ứng chiếc roi da". Đó là khi thông tin về nhu cầu thị trường bị bóp méo qua các khâu trong chuỗi cung ứng, dẫn đến dư thừa, tồn kho lớn, lãng phí, là nỗi ám ảnh với bất kỳ công ty nào.

Ảnh minh họa

Làm thế nào để thắng được "chiếc roi da"? Hãy xem Apple - một "bậc thầy" tạo chuỗi cung ứng hoàn hảo - đã làm những gì

Thực ra, chuỗi cung ứng của Apple chẳng khác gì so với vô vàn công ty khác nhưng hiệu quả tuyệt vời bởi 3 chiến thuật của CEO tài ba Tim Cook: Dự đoán đúng thị trường, cắt giảm tồn kho về "0" và đặt các nhà cung cấp vào "sàn đấu" nghiệt ngã. Dự đoán thị trường, giảm tồn kho là chuyện thường ngày của doanh nghiệp, song chuyện buộc các nhà cung cấp "đấu" nhau dường như là bất bình thường nhưng hiệu quả cao.

Hiện tại, số lượng nhà cung cấp cho Apple đã lên tới gần 800 tại 31 nước, nhưng Apple luôn thực thi chiến thuật hợp tác chứ không thuần túy mua bán. Năm 2015, 97% chuỗi cung ứng của "táo khuyết" (bao gồm cả thu mua, sản xuất và lắp ráp) chỉ nằm trong tay 200 đối tác trọng yếu, được Apple ưu tiên ký các hợp đồng dài hạn và sử dụng nguồn tiền mặt dư dả của mình để đặt cọc trước nhằm thương lượng chi phí thấp nhất, số lượng dự trữ lớn nhất có thể. Điều đó đồng nghĩa với việc 585 nhà cung cấp còn lại chỉ được hưởng 3% "miếng bánh ngon" Apple, tạo nên áp lực cạnh tranh sinh tử khắc nghiệt.

Chiến thuật hợp tác cho phép Apple giảm thiểu nhiều rủi ro, chi phí thấp nhất, linh hoạt tăng - giảm sản lượng bằng cách chia nhỏ nguyên liệu cho nhiều đối tác, ký các hợp đồng độc quyền nhằm hạn chế khả năng mở rộng sản xuất của đối thủ... Để "chiếc roi da" không "quật đau" lưng mình, doanh nghiệp phải có sức mạnh, khéo léo, linh hoạt và tầm nhìn xa. Nói thì dễ, làm được mới khó.

Minh Hạnh