Hiểu đúng tư tưởng của Đức Phật trong kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội

22:51 29/12/2021

Từ thời xa xưa Đức Phật đã cho rằng: Nếu con người ta túng quẫn sẽ rễ sa vào phương thức mưu sinh bất chính. Ngài chỉ ra bản chất của tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp bóc, bạo hành cũng bắt nguồn từ bế tắc mưu sinh nên người nêu ra quan điểm sự cường thịnh của một quốc gia là sự sung túc của người dân. Nhưng người cũng không cường hóa việc kinh doanh để làm giàu bằng mọi cách mà là người kinh doanh có đạo đức thì họ thu lợi nhuận một cách chính đáng, dạy chúng ta nên có lối sống “Thiểu dục tri túc”.

Trước tình hình diễn biết phức tạp của đại dịch COVID -19, kinh doanh là một trong những lĩnh vực đối đầu với nhiều thách thức, khó khăn đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ cách thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt, từ đó doanh nhân đã đánh mất đạo đức, đánh mất lương tâm nghề nghiệp phải kể đến như: Sản xuất hàng hóa kém chất lượng, sử dụng các chất phụ gia, các hóa chất độc hại gây nên bệnh ung thư trong các loại thực phẩm chúng ta sinh hoạt hàng ngày… Điều này đã khiến người tiêu dùng lo lắng, bất an và cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế, đến người kinh doanh chân chính.

Ảnh minh họa
Cần hiểu đúng tư tưởng đức phật trong kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội.

Đức Phật từ thời sơ khai xưa kia đã dạy cho chúng ta về đạo đức kinh doanh để người Phật tử làm những việc lương thiện, giảm bớt tội lỗi, lòng tham không đáy gây ra, thể hiện trên tư tưởng chánh nghiệp. Thực ra bản chất của kinh doanh là mong muốn có nhiều lợi nhuận nhằm tổ chức, tái đầu tư… từ đó giúp cải thiện đời sống công nhân viên là một trong những mong muốn chính đáng của một doanh nhân. Nhưng ham hố và dùng mọi mánh khóe để gạt người, để thu gom thật nhiều lợi nhuận, bất chấp những tổn hại gây ra cho người khác, đó chính là lòng tham không đáy. Người kinh doanh có đạo đức thì họ thu lợi nhuận một cách chính đáng, tức là chất lượng sản phẩm mà họ làm ra có giá trị tương xứng với số tiền mà người tiêu dùng phải trả, chứ không phải là lợi nhuận bỏ túi phát xuất từ lòng gian tham, bán những món hàng kém chất lượng với giá cắt cổ.

Ảnh minh họa
Hiểu đúng tư tưởng của đức phật để từ bỏ lòng tham, buôn bán gian dối bất chấp lợi nhuận từ đó thành một doanh nhân có ích cho xã hội.

Đức Phật thường dạy chúng ta rằng: “Thiểu dục tri túc”, ít muốn biết đủ. Nghĩa là bỏ bớt lòng tham, từ bỏ ham muốn không cần thiết. Có người hiểu lầm rằng tư tưởng "thiểu dục tri túc" sẽ ngăn cản sự phát triển của con người, của xã hội không thích hợp với người kinh doanh. Vì tư tưởng đó an phận, không cầu tiến, không cần làm nhiều, không cần có tài sản thặng dư. Nếu hiểu như vậy sẽ không hiểu được bản chất của quan điểm Đức Phật. Cái tinh hoa của Đức Phật là người không dạy chúng ta sống tiêu cực và Ngài luôn hướng dẫn mọi người thăng hoa tinh thần, thăng hoa đời sống hạnh phúc. Cách sống “biết đủ”, nghĩa là Ngài khuyên chúng ta một khi đã cố gắng tối đa trong công việc của mình thì nên bằng lòng với kết quả đạt được. Đừng muốn vượt hơn khả năng của mình, rồi phải buồn khổ, thất vọng, hay ganh tức, đố kỵ, hãm hại người để tiến thân, chiếm lợi cho mình. Với giáo pháp lợi lạc cho con người như vậy, đạo Phật đã tồn tại và phát triển qua suốt hơn 25 thế kỷ và càng ngày lời dạy của Đức Phật càng tỏa sáng, chỉ lối đưa đường cho con người sống hạnh phúc, phát triển và hòa bình.

Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, có năm nghề buôn bán mà người cư sĩ không nên làm là: Không buôn bán vũ khí, không buôn bán người, không buôn bán các chất gây say, không buôn bán thịt, không buôn bán thuốc độc. Người nêu ra quan điểm trong quá trình kinh doanh, thu được lợi nhuận chúng ta phải biết sử dụng lợi nhuận có ý nghĩa, bằng cách chia lợi nhuận làm ba phần: Phần thứ nhất nhập vào vốn cũ, phần thứ hai để chi tiêu cho nhu cầu gia đình, phần thứ ba dùng làm việc công ích xã hội gồm những việc từ thiện, hay cúng dường Tam bảo, phát triển đạo pháp. Việc này làm lợi ích cho nhiều người và tạo ra phước báo làm hành trang cho cuộc sống giàu có, bền vững trong một đời cho đến nhiều thế hệ.

Ảnh minh họa
Kinh tăng chi bộ là bộ thứ tư trong 5 bộ kinh tạng "Kinh Trường Bộ, Kinh Trung Bộ, Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Tăng Chi Bộ và Kinh Tiểu Bộ" .

Chúng ta bắt buộc phải hiểu cho đúng tư tưởng của Đức Phật, người không đả phá các hình thức kinh doanh cũng như người không ngăn cản sự phát triển của xã hội. Mà người dạy chúng ta phải có đạo đức và trí tuệ định hướng việc kinh doanh để gặt hái được cuộc sống hạnh phúc cho mình và gia đình được bền vững dài lâu. Lời dạy của Đức Phật gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, khiến cho mọi người sáng suốt, biết vun trồng hạt giống trong tâm hồn từ đó không ngừng bồi dưỡng đạo đức, sống và làm việc, để kiếm tiền hợp pháp và tiêu tiền hợp lý, sống vì mình cũng là vì cộng đồng. Sống đúng phật pháp, chắc chắn chúng ta được hạnh phúc, an lành, làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn.

 Vũ Tiến