Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa: Tọa đàm tiếp cận vốn sau đại dịch

09:08 23/03/2022

Để chuẩn bị tốt nội dung đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng, chiều 22-3, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức buổi tọa đàm, thảo luận các vấn đề liên quan đến kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về tiếp cận vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19. Tham dự buổi tọa đàm có đông đảo các doanh nghiệp và lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tại tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành nghề đang từng bước hoạt động trở lại sau đại dịch với rất nhiều khó khăn, trong đó có thiếu nguồn vốn. Tuy nhiên, đi vay vốn trong thời điểm này không dễ, dù nhà nước đã có chủ trương, chính sách. 

Thực tế do dịch bệnh doanh nghiệp không bán được hàng, khó khăn mới có nhu cầu vay vốn để duy trì sản xuất, nhưng yêu cầu trong hồ sơ vay là doanh nghiệp báo cáo tài chính phải giữ được doanh thu. Việc hoàn thành thủ tục vay vốn, nhất là thẩm định tài sản thế chấp vay rất nhiều vướng mắc, cùng tài sản như trước đây nhưng hiện nay doanh nghiệp được xét mức vay thấp hơn nhiều so với trước. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn rất hạn chế.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chủ trì buổi tọa đàm
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, chủ trì buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị một số nội dung về cơ chế, chính sách, thủ tục hỗ trợ nguồn vốn cho phục hồi sản xuất, điển hình như: Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ giảm lãi suất, nhất là với các lĩnh vực sản xuất đang được ưu tiên phát triển; tăng thời hạn đảo nợ; đơn giản thủ tục thẩm định tài sản cho vay; thẩm định giá trị tài sản đúng với giá trị thực tế của thị trường…

Ông Cao Thiện Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Sầm Sơn chia sẻ: Khi thị trường du lịch phục hồi, doanh nghiệp sẽ cần có nguồn vốn rất lớn. Nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành rất khó khăn do đặc thù không có tài sản cố định có giá trị lớn để thế chấp tại các ngân hàng, ngay cả khi có tài sản thế chấp cũng khó vay vốn. Các ngân hàng cần rà soát lại quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn. Kéo dài thêm thời gian đáo hạn ngân hàng từ 3 năm trở lên. Có chế tài tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Đại diện Các doanh nghiệp nông nghiệp cho rằng, việc tiếp cận các nguồn vốn có lãi suất thấp để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn gặp nhiều vướng mắc. Sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản không được tính là tài sản bảo đảm thế chấp. Trong khi các tài sản trên đất như: hệ thống trang trại, cánh đồng… ở hầu hết ngân hàng rất khó để định giá. Ví dụ như tài sản máy móc như kho lạnh, trong hệ thống sản xuất hầu như không được ghi nhận làm tài sản thế chấp. Các tài sản khác như bất động sản, phương tiện xe cộ tuỳ từng ngân hàng định giá. Tuy nhiên giá trị định giá hiện nay rất thấp. Vì vậy, giá trị khoản vay cũng sẽ thấp hơn giá trị thực tế của tài sản.

Đề nghị ngân hàng có thêm các sản phẩm tín dụng linh hoạt, phù hợp trong thời kỳ covid-19 với nhiều mức ưu đãi cao dành cho nhóm doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp cao.

Còn đối với doanh nghiệp xuất khẩu có nhu cầu vay vốn để nhập nguyên liệu sản xuất nhưng không còn tài sản đảm bảo, đề nghị ngân hàng có giải pháp liên kết với doanh nghiệp, cần thiết có thể đứng ra bảo lãnh để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hàng. Bởi rất nhiều doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, chủ yếu do thiếu tài sản thế chấp, khả năng tài chính chưa mạnh, khó chứng minh khả năng tài chính để vay vốn… Vì khó khăn về vay vốn mà nhiều doanh nghiệp phải quay lưng với những đơn hàng đem lại lợi nhuận lớn cho công ty.

Đại diện cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải, ông Hồ Hữu Thiết, Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Thanh Hóa nêu khó khăn: Trải qua các đợt dịch, doanh nghiệp vận tải gần như không có doanh thu, trong khi vẫn phải trang trải các chi phí cho trả lương cho người lao động để giữ chân lao động, chi phí duy trì và bảo dưỡng xe, phí bảo trì đường bộ trên các đầu phương tiện….thì việc xảy ra nợ xấu là điều tất yếu. Các tổ chức tín dụng khẩn trương thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu khách hàng một cách linh hoạt.

ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc , Tổng Công ty CP Hợp Lực kiến nghị
Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc , Tổng Công ty CP Hợp Lực kiến nghị.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Tổng Công ty CP Hợp Lực, ông Nguyễn Văn Thành, Tổng Giám đốc kiến nghị: Ngân hàng nhà nước và Chính phủ cần có một cơ chế phù hợp trên cơ sở tình hình của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 để giảm điều kiện cho vay xuống, khi ấy doanh nghiệp mới tiếp cận được vốn. Ngân hàng nên có sự tin tưởng vào doanh nghiệp, bớt “thận trọng” khi cho doanh nghiệp vay. Các ngân hàng nên có sự phối kết hợp để doanh nghiệp nếu có nhu cầu chuyển ngân hàng được dễ dàng đạo điều kiện doanh nghiệp phát triển.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp kiến nghị các ngân hàng xem xét thiết kế các gói sản phẩm tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó giảm bớt các điều kiện đánh giá về năng lực tài chính, hay xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, thay vào đó, việc đánh giá có thể dựa trên tiêu thức xác định doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các tiêu chí đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh, nhằm kiểm soát rủi ro mà không cần thiết phải có tài sản đảm bảo.

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Bỉm Sơn phát biểu
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh Bỉm Sơn phát biểu.

Sau khi nghe những thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các ngân hàng đã chia sẻ những vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp; đồng thời giải trình nguyên nhân khiến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn hạn chế, như: Nguồn lực về vốn của các ngân hàng thương mại còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu...

Đại diện ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam giải thích vì sao nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa thể hoặc không thể tiếp cận được vốn vay bởi một phần các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường năng lực tài chính hạn chế, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Việc xây dựng phương án kinh doanh, báo cáo tài chính vẫn còn thiếu, chưa rõ ràng... ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh. Việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản bảo đảm cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cũng như các doanh nghiệp và đại diện ngân hàng đều khẳng định, buổi tọa đàm để chuẩn bị cho cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với ngân hàng là hết sức cần thiết. Từ các ý kiến, Hiệp hội sẽ kiến nghị về các cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi, để khôi phục sản xuất, kinh doanh tại hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa trong thời gián tới. Hy vọng, hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng sẽ nhanh có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm tiếp cận được nguồn vốn vay để phục hồi sản xuất kinh doanh, đưa nền kinh tế phát triển và có nhiều bứt phá trong giai đoạn mới.

Hiền Minh