Định hướng nào cho khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam?

23:02 11/08/2022

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó xác định một số định hướng phát triển.

Tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, những năm gần đây, trung bình hàng năm, vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong khu công nghiệp, khu kinh tế chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.

Khu công nghiệp, khu kinh tế đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, hiện là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu như Samsung, Canon, LG, Sumitomo, Foxconn,…

Ông Trần Quốc Phương nêu, nhiều doanh nghiệp trong nước với khởi đầu là nhà đầu tư phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã phát triển thành những tập đoàn đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực, dần vươn tới các thị trường ngoài nước, góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế như Phú Mỹ 3, Viglacera, Trường Hải, Becamex, Sonadezi, Kinh Bắc… Đây là những đóng góp đáng ghi nhận của các khu công nghiệp, khu kinh tế về thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh. 

Định hướng nào cho khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam?
Định hướng nào cho khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam?

Tại Việt Nam, bối cảnh phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế đã có những thay đổi với thuận lợi và khó khăn đan xen. Cụ thể, bối cảnh trong nước hiện nay tạo thuận lợi cơ bản cho sự phát triển của khu công nghiệp, khu kinh tế như môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông kết nối vùng, với thị trường quốc tế được nâng cấp và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên và thị trường xuất khẩu được rộng mở thông qua các hiệp định tự do thương mại đa phương, song phương và nguồn lao động có khả năng thích ứng tốt với những thay đổi khoa học và công nghệ.

Tuy nhiên, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của khu công nghiệp, khu kinh tế trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam còn hạn chế.

Do vậy, Thứ trưởng cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế cần có chính sách để tận dụng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Nghị quyết XIII của Đảng vừa qua đã thông qua định hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%. Các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất.

Việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết.

Với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó xác định một số định hướng phát triển như sau:

Một là, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế là mô hình, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại, hài hòa giữa các vùng miền, ngành, nghề.

Hai là, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của khu công nghiệp, khu kinh tế trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu công nghiệp, khu kinh tế làm nền tảng.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Bốn là, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò tiên phong và sáng tạo của công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

P.V