Hãy thôi ngộ nhận về Bảo hiểm nhân thọ

13:12 30/03/2022

So với lịch sử phát triển hơn 400 năm của ngành bảo hiểm nhân thọ trên thế giới, thì tại thị trường Việt Nam, ngành bảo hiểm nhân thọ là một ngành non trẻ với chỉ hơn 20 năm kinh nghiệm. Trong bối cảnh một đất nước có nền kinh tế - văn hóa - xã hội đã bị tổn thương nghiêm trọng sau hai cuộc chiến tranh trường kì và mới đang trong giai đoạn phục hồi, thì bảo hiểm nhân thọ là một khái niệm vô cùng mới mẻ với đại đa số người dân. Việc truyền bá cũng như tiếp cận khái niệm này còn thiếu sót là nguyên nhân tồn tại của rất nhiều ngộ nhận về Bảo hiểm.

Ảnh nguồn Internet
Ảnh nguồn Internet.

Ở bài viết thứ nhất, chúng ta sẽ đi vào loại ngộ nhận thường gặp và phổ biến nhất trong tư duy của người dân về Bảo hiểm nhân thọ, đó là:

“Gửi tiền vào bảo hiểm nhân thọ là cho doanh nghiệp bảo hiểm vay vốn, người mua bảo hiểm vừa được bảo vệ miễn phí, sau này đáo hạn nhận về cả gốc lẫn lời”.

Thực tế là: Số tiền khách hàng bỏ ra mua một hợp đồng bảo hiểm không giống như mang gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Tiền gửi ngân hàng là cho ngân hàng vay vốn, ngân hàng phải trả lãi suất cho khách hàng, và không trừ bất kì chi phí nào cả, đương nhiên ngân hàng cũng không phải chịu bất kì trách nhiệm bồi thường nào đối với rủi ro về tính mạng hay sức khoẻ của khách hàng. Còn tham gia bảo hiểm, thì mục đích bảo vệ được đặt lên hàng đầu, và khách hàng phải đóng các khoản phí cho những quyền lợi được bảo hiểm. Khách hàng phải hiểu rằng, không có hình thức bảo hiểm nào là miễn phí cả. Trong tổng số phí khách hàng đóng vào hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ khấu trừ các loại chi phí: phí ban đầu để thẩm định phát hành hợp đồng; trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, để đảm bảo chi trả cho mọi sự kiện xảy ra trong tương lai theo hợp đồng đã kí kết, bao gồm trả tiền đáo hạn hợp đồng cho khách hàng; phí quản lý hợp đồng; và quan trọng nhất là phí bảo hiểm rủi ro- số tiền mà bất kì người được bảo hiểm nào cũng bị khấu trừ đi đều đặn hàng năm để hình thành nên quỹ bảo hiểm rủi ro.

Cho nên, khi khách hàng gặp bất kì rủi ro nào về sức khỏe, tính mạng thì số tiền bảo hiểm sẽ được lấy từ quỹ này ra để chi trả. Trong trường hợp những khách hàng may mắn sống bình an suốt thời hạn hợp đồng bảo hiểm thì sẽ không được lấy lại khoản phí bảo hiểm rủi ro này. Cũng giống như khi mua Bảo hiểm y tế của nhà nước, dù là an sinh xã hội, người dân vẫn phải trả tiền và nếu không dùng đến thì cũng không được hoàn lại khoản phí đã đóng. Hay trong hình thức bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm vật chất ô tô, bảo hiểm xe máy, nếu hết thời hạn đóng phí, mà không xảy ra sự kiện bảo hiểm nào, thì người mua bảo hiểm cũng không được hoàn lại dù chỉ một đồng.

Số tiền còn lại từ tổng số phí đóng vào, sau khi đã trừ hết các loại chi phí mới được doanh nghiệp bảo hiểm mang đi đầu tư và chia lãi cho khách hàng. Nếu lãi suất từ hoạt động đầu tư cao, lợi nhuận lớn, đủ hoặc dư bù cho các loại phí, thì số tiền đáo hạn khách hàng nhận về sẽ hòa hay nhiều hơn so với số phí đóng; còn trường hợp lãi suất thấp, lợi nhuận sinh ra ít và không đủ bù cho các loại chi phí, thì buộc các loại chi phí phải bị khấu trừ trực tiếp vào giá trị tài khoản của khách hàng để duy trì các quyền lợi bảo hiểm. Và như vậy, giá trị tài khoản của khách hàng sẽ ít hơn tổng số phí mà khách hàng đã đóng vào. Hiện nay, tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm mà các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ công bố lãi suất đầu tư hàng tuần, hàng tháng, hàng quý hay hàng năm đến khách hàng trên website của doanh nghiệp hoặc qua các ứng dụng dành riêng cho khách hàng của mỗi doanh nghiệp. Việc theo dõi giá trị tài khoản của hợp đồng bảo hiểm từ đó cũng trở nên vô cùng thuận tiện và kịp thời.

Và nếu cuộc sống êm đẹp trôi qua, khách hàng không gặp rủi ro gì trong suốt thời hạn của hợp đồng bảo hiểm, thì khi kết thúc hợp đồng, khách hàng nhận lại số tiền trong giá trị tài khoản của mình. Con số này nhiều hay ít phụ thuộc vào kết quả đầu tư thực tế của doanh nghiệp bảo hiểm. Sẽ không ai có thể khẳng định chắc chắn được trước đó, là số tiền chính xác lúc nhận về sẽ được bao nhiêu, bởi thị trường đầu tư luôn biến động, và lãi suất đầu tư cũng thay đổi liên tục. Tuy nhiên, ở một số sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư chung, hay những sản phẩm bảo hiểm truyền thống, khách hàng sẽ biết trước một giá trị tài khoản bảo đảm, là giá trị mà chắc chắn khách hàng có thể nhận về dù thị trường đầu tư có biến động tiêu cực như thế nào đi nữa. Vì giá trị này được tính dựa trên lãi suất cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm chia cho khách hàng. Khách hàng hoàn toàn có thể hỏi người đại lý tư vấn cho mình về giá trị tài khoản ở mức lãi suất cam kết tối thiểu ngay tại thời điểm đang quan tâm, tìm hiểu để tham gia bảo hiểm.

Đối với trường hợp có một sự kiện bảo hiểm xảy ra với khách hàng, thì từ 1 đồng phí đóng vào, khách hàng sẽ được nhận lại 100 hay 1000 đồng phí từ quỹ bảo hiểm rủi ro được chia sẻ từ những người cùng tham gia khác. Và đây mới là giá trị cốt lõi, là sự khác biệt lớn nhất của Bảo hiểm nhân thọ mà không có hình thức tiết kiệm, đầu tư nào có thể làm được. Bởi bảo hiểm là một hình thức chia sẻ rủi ro, lấy số đông bù số ít, người mạnh khỏe bù đắp cho người ốm yếu, người “lành” chia sẻ với người “rách”, người “rách ít” nâng đỡ người “rách nhiều”. Gía trị nhân văn của Bảo hiểm nhân thọ là ở đây, xuất phát từ chính tinh thần tương thân tương ái, nâng đỡ nhau của những người cùng tham gia bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm là một tổ chức hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận, có trách nhiệm thực hiện theo những thỏa thuận đã kí kết trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có tiền để chi trả cho khách hàng nếu như khách hàng đã đóng phí đầy đủ theo đúng điều khoản và thời hạn hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm không phải là một tổ chức phi lợi nhuận, hay làm thiện nguyện bằng cách bỏ tiền túi của mình ra để chi trả cho những rủi ro của khách hàng. Và cũng như cách mọi thứ trong cuộc sống vận hành, có bỏ ra thì mới có nhận lại, chừng nào khách hàng còn muốn được bảo hiểm, chừng đó khách hàng phải đóng phí bảo hiểm. Vì vậy, hãy thôi ảo tưởng, ngộ nhận việc tham gia bảo hiểm là đang cho doanh nghiệp bảo hiểm vay vốn kinh doanh, cho nên doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo vệ khách hàng miễn phí, và sau thời hạn “cho vay” (đóng phí), thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả lại cả gốc lẫn lãi cho khách hàng.

Khi đã hiểu được bản chất của bảo hiểm nhân thọ là một công cụ tài chính đa chức năng, kết hợp giữa cơ hội tích lũy và đầu tư với giá trị cốt lõi là bảo vệ, thì người tham gia bảo hiểm cũng phải hiểu rằng, song hành với quyền lợi, chính là nghĩa vụ. Và một trong những nghĩa vụ quan trọng nhất là nghĩa vụ tài chính - đóng phí bảo hiểm và chịu khấu trừ các chi phí liên quan trong suốt thời hạn hợp đồng.

Hợp đồng bảo hiểm cũng như bất kì một hợp đồng kinh tế, hợp đồng cung cấp dịch vụ nào khác, trước khi đặt bút kí để thực hiện giao dịch, khách hàng có trách nhiệm phải hiểu rằng mình đang thực hiện giao dịch gì với điều kiện ra sao. Vì vậy, hãy đọc kĩ điều khoản sản phẩm, yêu cầu người đại lý bảo hiểm tư vấn cho mình bằng hình thức văn bản hoặc bằng các hình thức nào khác mà có thể lưu trữ được thông tin tư vấn, để sau này khi có bất kì tranh chấp nào xảy ra, những thông tin này sẽ được làm căn cứ cho việc xác định trách nhiệm của từng bên. Hãy tiếp cận bảo hiểm nhân thọ bằng góc nhìn đầy đủ, toàn diện, chính thống, chứ đừng nghe “truyền miệng” để rồi từ đó nảy sinh những ngộ nhận về công cụ tài chính này.

Ở bài viết tiếp theo, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin và giải đáp những ngộ nhận khác của người dân đối với Bảo hiểm nhân thọ.

Kim Ngân