Hậu Giang phát triển du lịch cộng đồng nâng cao các giá trị chuỗi sản phẩm OCOP

09:06 15/12/2020

Sáng 15/12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hâu Giang. Ban chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới kết hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng theo bộ tiêu chí chương trình mỗi xã một sản phẩm”.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNN; bà Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ VHTT và DL; ông Trần Văn Huyến – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; ông Đồng Văn Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh cùng hơn 400 đại biểu là các nhà khoa học, đại diện các sở, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng.

Mô hình du lịch cộng đồng đang dần hình thành và phát triển tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, tỉnh Hậu Giang có 46 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.

Đồng bằng sông Cửu Long có nền văn hoá, lịch sử, lại giàu bản sắc dân tộc của Kinh - Hoa - Khơ me, sở hữu tiềm năng to lớn trong quá trình phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

"Hiểu rõ được thế mạnh đó, Hậu Giang là địa phương có hệ thống sản phẩm OCOP phát triển rất nhanh, tạo được dấu ấn lớn. với các sản phẩm tiêu biểu như: cá thát lát, khổ qua rừng nhân chả cá thát lát, rượu, mứt khóm, trà mãng cầu… hầu hết các sản phẩm này đã có mặt tại các chợ đầu mối, nhiều siêu thị và các kênh phân phối trên cả nước", ông Đồng Văn Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ.

 

 Gian hàng Trà mãng cầu, sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đặc trưng của tỉnh Hậu Giang.

Bên cạnh những lợi thế về nông nghiệp, Hậu Giang đang được chú ý đến với nhiều lợi thế du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng kết hợp tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa; du lịch sông nước miệt vườn kết hợp vui chơi giải trí. Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận của người dân, du lịch Hậu Giang đã có những bước đi khá ổn định với việc khai thác hiệu quả những thế mạnh về điều kiện tự nhiên, địa hình, sản phẩm đặc trưng, … Theo đó, mô hình du lịch cộng đồng đang được tỉnh đặc biệt quan tâm, định hướng phát triển và hiện đã hình thành một số địa chỉ thu hút du khách tham quan và trải nghiệm như: Khu du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng, Vùng du lịch cộng đồng Khóm Cầu Đúc, Vườn dâu Thiên Ân, khu trải nghiệm làm nông dân “Miệt Ngàn”… đặc biệt là Trang trại sữa dê Ngọc Đào… Bên cạnh đó, một số làng nghề đã được công nhận và được đưa vào chương trình tham quan du lịch như Làng trầu Vị Thủy, làng nghề đan lát Vị Thắng…

Chương trình mỗi xã một sản phẩm, những gợi ý các chuyên gia, các nhà khoa học, sẽ góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, giúp cho du lịch cộng đồng Hậu Giang sẽ có những bước đi phù hợp và phát triển.

Trần Hữu Lễ