Hậu covid -19: Coi chừng ‘bẫy’ thâu tóm từ nhà đầu tư ngoại

00:00 12/10/2020

Một số doanh nghiệp (DN) nội địa do suy yếu vì ảnh hưởng dịch Covid-19 đang đứng trước “bẫy” thâu tóm bởi khối ngoại. Liệu có ngăn được tình trạng này, nhất là với những DN thuộc các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của quốc gia ?

Trên website của mình, CTCP Cáp điện Thịnh Phát cho thấy họ là một thương hiệu dây và cáp điện hàng đầu Việt Nam với tuổi đời hơn 30 năm. Họ là nhà cung cấp chính cho lưới truyền tải điện quốc gia, đã và đang tham gia vào chương trình ngầm hóa, cải tạo lưới điện tại các thành phố lớn, các dự án năng lượng nông thôn, các công trình sân bay, cầu cảng, đường bộ, cao ốc…

Coi chừng lĩnh vực trọng yếu

Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2020 khi mà dịch Covid-19 đang diễn biến nóng, công ty này đã chính thức sát nhập vào Tập đoàn Stark của Thái Lan. Như chia sẻ của Thịnh Phát, việc hợp lực giữa các công ty nắm giữ vị thế hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh dây, cáp điện tại Việt Nam – Thái Lan mở ra cơ hội mới, thời cơ mới cho việc mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu.

Quan sát trường hợp nêu trên, nhiều ý kiến tỏ ra tiếc nuối cho một thương hiệu vốn lâu nay được xem là sản phẩm công nghiệp chủ lực của Tp.HCM thì giờ đây đã nằm trong tay của một tập đoàn đến từ Thái Lan. 

Hoặc trước đó, hồi cuối tháng 3/2020, Công ty Super Energy Corporation Company Limited của Thái Lan đã quyết định chi 456,7 triệu USD cho việc sở hữu cổ phần và đầu tư vào 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước.

Trao đổi với báo chí xoay quanh câu chuyện một số DN nội địa do suy yếu vì ảnh hưởng dịch Covid-19 đang đứng trước nguy cơ thâu tóm bởi các DN nước ngoài, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng trong cuộc đời của mỗi DN Việt sẽ có những lúc thăng lúc trầm, thuận lợi hay khó khăn và sẽ khó tránh khỏi chuyện mua bán sáp nhập (M&A).

Tuy nhiên, theo ông Dũng, trước xu hướng M&A, nếu nhìn vào bối cảnh khó khăn chung của các DN nội địa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì thấy rằng cần phải phân loại ra những DN thuộc những lĩnh vực trọng yếu của quốc gia thì Nhà nước phải giữ lại. 

Theo đó, nếu có những cuộc sáp nhập mà những DN trong nước tự M&A với nhau thì không có vấn đề gì lớn, nhưng nếu DN nước ngoài thâu tóm, mua lại thì rõ ràng khá nguy hiểm.

Bởi vì là trụ cột của nền kinh tế, chẳng hạn như ngành điện, ngành nước, ngành viễn thông, ngành hàng không hoặc kể cả ngành giáo dục nếu bị mua đi bán lại thì sẽ là điểm hụt hẫng cho nền kinh tế cân bằng trong thời kỳ mới.

Nhất là khi Chính phủ cần phải nắm các lĩnh vực trọng yếu để phục vụ cho lợi ích quốc gia. Do đó, trong trường hợp mà những DN lớn trong nước gặp khó khăn thì Nhà nước phải có mặt để hỗ trợ.

“Việc hỗ trợ phải bằng cách phân tích một cách toàn diện, xem xét nếu như tình trạng DN đó được bán lại cho khối ngoại thì điểm yếu, lỗ hổng của kinh tế quốc gia trong thời gian tới sẽ như thế nào, lấy gì để bù đắp ?”, ông Dũng lưu ý. 

HINH-2600-1589882840.jpg

Nhiều DN Việt đang đứng trước “bẫy” thâu tóm của khối ngoại

Có ngăn được không ?

Đặc biệt, theo ông Dũng, vấn đề kinh tế thị trường khi DN nước ngoài mua lại thì họ sẽ đẩy giá sản phẩm lên rất cao, mang tính chất độc quyền, nhất là những ngành điện, nước, viễn thông...Khi đó, người mua ở Việt Nam đành phải mua, chi phí sẽ tăng lên, những người hưởng thụ vô tình bị thiệt hại.

Ngoài xu hướng thâu tóm của các tập đoàn lớn của Thái Lan nhắm vào Việt Nam trong mùa Covid-19 (tính từ đầu năm đến nay đã có 200 DN Thái Lan tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam), thì việc các DN đến từ Trung Quốc và Hồng Kông góp vốn, mua cổ phần của các DN Việt cũng là điều đáng lưu tâm.

Trước đó, khi đưa ra dự báo về xu hướng M&A tại Việt Nam trong năm nay, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), nhận định tiếp tục sẽ là xu hướng tất yếu không thể nào đảo ngược được.

Nhất là khi việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cộng một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam tham gia đã tạo nhiều cơ hội thúc đẩy gia tăng thêm hoạt động M&A từ dòng vốn ngoại.

Còn đứng ở góc độ tổng giám đốc một DN ở Tp.HCM dành sự quan tâm lớn đến hoạt động M&A với dòng vốn ngoại, bà Lưu Thị Thanh Mẫu cho rằng trong xu hướng M&A, các DN trẻ, năng động sẽ đi theo xu hướng hợp tác với những DN có tiềm lực ở nước ngoài.

Giới chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng nên tham khảo chính sách của các quốc gia trên thế giới nhằm kiểm soát việc lợi dụng dịch Covid-19 để thâu tóm DN ở những lĩnh vực trọng yếu.

Ông Dũng cho biết ở Nhật Bản mới đây thông báo niêm yết rất nhiều công ty để bán, trong đó có một số công ty có tên tuổi lớn và phía chính phủ Nhật đã kịp thời nhìn thấy và can thiệp, tài trợ về vốn để các DN này trở lại hoạt động bình thường. 

Ngoài ra, Chính phủ Nhật còn đưa ra đạo luật mới yêu cầu một số nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo khi có kế hoạch mua hơn 1% cổ phần trong các công ty thuộc danh sách hạn chế, so với ngưỡng 10% trước đây.

Hoặc như Ấn Độ đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn để hạn chế các nước có chung đường biên giới thừa cơ thâu tóm các DN Ấn Độ trước đại dịch Covid-19.

Hay như Mỹ và Australia cũng đã áp đặt hạn chế đối với các công ty Trung Quốc muốn mua tài sản. Trước hoạt động thâu tóm của các DN Trung Quốc thì ở EU có Pháp, Đức, Anh và Italy đã tiến hành các biện pháp quan trọng để tránh các “bẫy” thâu tóm.

 Thế Vinh