Hàng Trung Quốc trên đà thất thế tại Ấn Độ

09:27 04/11/2021

Anh Jignesh Parikh, một chủ hàng ở bang Gujarat, cho hay, căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh khiến người tiêu dùng Ấn Độ có xu hướng "bài trừ" hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Năm ngoái, người mua tại quốc gia Nam Á chủ động yêu cầu các mặt hàng đến từ "công xưởng của thế giới" do "giá rẻ hơn và hợp thời trang" nhưng hiện tình thế đã thay đổi.

Người dân tại Mumbai sắm sửa đèn trang trí cho lễ Diwali
Người dân tại Mumbai sắm sửa đèn trang trí cho lễ Diwali. (Ảnh: AFP) 

Thương nhân người Ấn Độ Rakesh Sharma rất vui mừng khi những người bán nhỏ lẻ như anh có cơ hội hồi phục kinh doanh trong lễ Diwali. Chủ sở hữu doanh nghiệp bán hàng tại Cung điện Bhagirath ở Delhi, thị trường hàng điện tử lớn nhất ở châu Á cho biết nhu cầu cho mặt hàng này tăng 60% so với năm ngoái và người dân "đổ xô đi mua để chuẩn bị cho lễ Diwali vui vẻ hơn sau Covid-19". Sharma, 43 tuổi, chia sẻ: "Dịp lễ Diwali năm nay, khi đại dịch suy giảm và ít hạn chế di chuyển hơn, chúng tôi hy vọng sẽ đạt được lợi nhuận ở mức trước đại dịch".

Sau một năm mất mát với hai đợt bùng phát Covid-19 diện rộng làm thiệt mạng hàng trăm nghìn người, tỷ lệ lây nhiễm hiện nay giảm xuống còn khoảng 10 nghìn người ca mỗi ngày. Vào thời điểm đỉnh dịch, Ấn Độ đã báo cáo khoảng 400 nghìn trường hợp. Hơn 1 tỷ người dân Ấn Độ đã nhận được ít nhất một liều vắc xin, các nhà chức trách hiện tập trung triển khai mũi thứ hai để đạt tiêm chủng diện rộng với người trưởng thành.

Hàng xóm của Sharma, anh Jignesh Parikh cũng là người bán hàng ở bang Gujarat, cho ha,y căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh khiến người tiêu dùng Ấn Độ có xu hướng "bài trừ" hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Năm ngoái, người mua tại quốc gia Nam Á chủ động yêu cầu các mặt hàng đến từ "công xưởng của thế giới" do "giá rẻ hơn và hợp thời trang" nhưng hiện tình thế đã thay đổi. Theo Parikh với tư cách những người bán trực tiếp: "Những luận điệu chống Trung Quốc đã làm giảm sức hấp dẫn của các sản phẩm Made in China giá rẻ như pháo, đèn led trang trí, đèn lồng từng bán chạy như tôm tươi trước lễ Diwali. Năm nay, người mua chủ yếu chọn hàng sản xuất trong nước".

Trong nhiều năm, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa Diwali lớn nhất ở Ấn Độ, từ các mặt hàng pháo đến đèn trang trí, quà tặng, tượng thần, vật dụng trang hoàng nhà cửa và hoa giả. Một thành viên của Hiệp hội Thương nhân Toàn Ấn Độ (CAIT), đại diện cho hàng triệu thương nhân vừa và nhỏ, cho biết, kết quả khảo sát do tổ chức này thực hiện cho thấy, nhập khẩu hàng Trung Quốc đã tăng vọt từ 2 tỷ đô la năm 2001 lên 70 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Những sản phẩm kể trên được hàng triệu gia đình và các nhà tổ chức cộng đồng săn đón trước mùa lễ hội của Ấn Độ kéo dài từ tháng 10 cho đến năm mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ láng giềng không mấy mặn mà cùng với lời kêu gọi tự lực sản xuất của Thủ tướng Narendra Modi, CAIT nỗ lực hướng người dùng tẩy chay các sản phẩm Trung Quốc. Thậm chí đã xảy ra các cuộc biểu tình sau lễ Diwali nếu chính phủ không có động thái hạn chế các "gã khổng lồ" nước ngoài như nhà bán lẻ trực tuyến Amazon và Flipkart thuộc sở hữu của Walmart, vốn ngày càng phổ biến với người mua sắm Ấn Độ. Phía CAIT tuyên bố vào tháng trước: "Giống như năm ngoái, chúng tôi kêu gọi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Nếu Ấn Độ ngừng nhập khẩu, Trung Quốc sẽ thiệt hại khoảng 7 tỷ đô la Mỹ". Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát gần đây nhất do liên minh 20 thành phố chuyên phân phối hàng ngoại nhập cho thấy không có đơn đặt hàng pháo "tàu" hay các loại khác cho lễ Diwali năm nay.

Tổng Thư ký quốc gia CAIT, Praveen Khandelwal chia sẻ ý tưởng thúc đẩy người Ấn Độ tin dùng và chọn lựa hàng hóa địa phương hơn các sản phẩm nhập khẩu để "Trung Quốc không kiểm soát thị trường bán lẻ của Ấn Độ". Nỗ lực "người Ấn dùng hàng Ấn" không thể thành công trong một sớm một chiều, bất chấp những lời kêu gọi, số liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ chi ra nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng hơn 66% lên 27,66 tỷ đô la Mỹ, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2021.

Một tín hiệu tích cực là người tiêu dùng trong nước hiện không quá so đo giá cả. Ashik Jain, một kỹ sư ở Delhi bày tỏ: "Tôi không quan tâm liệu những chiếc đèn chơi lễ Diwali mà tôi mua được làm từ phân bò hay bìa cứng, chúng đến từ Ấn Độ, Trung Quốc hay Timbuktu.Tôi chỉ muốn vui vẻ với bạn bè và gia đình của mình. Lễ Diwali năm ngoái quá ảm đạm". Động thái này mang lại tín hiệu tích cực nếu hàng nội địa Ấn Độ có thể gây ấn tượng với người tiêu dùng. Ngoài ra, lệnh giới hạn giờ đốt pháo trong thời gian lễ hội cũng góp phần làm giảm sự hứng thú với pháo Trung Quốc của người dân tại Nam Á.

TL