Hàng loạt doanh nghiệp nhỏ tại các trung tâm tài chính thế giới không thể trụ vững do vắng khách văn phòng

10:21 17/11/2021

Chính sách giờ làm việc linh hoạt được triển khai trên nhiều thành phố khắp thế giới đang khiến các nhà bán lẻ và dịch vụ gặp khó khăn trong bối cảnh hết hạn trợ cấp nhà nước.

Khu người Tàu tại Singapore đóng cửa hàng loạt do vắng khách
Khu người Tàu tại Singapore đóng cửa hàng loạt do vắng khách. (Ảnh: Getty Images) 

Khi nhân viên văn phòng bắt đầu được phép quay trở lại sau nhiều tháng đóng cửa và làm việc tại nhà, mô hình làm việc mới đang gây khó khăn cho hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ ở các khu thương mại trung tâm vốn dựa vào lượng khách hàng ổn định từ thứ Hai đến thứ Sáu để trang trải giá thuê đắt đỏ và thu lợi nhuận.

Sau thời gian dài ở nhà do ảnh hưởng bởi đại dịch, không ít nhân viên lựa chọn tiếp tục làm việc tại nhà hoặc chỉ đến văn phòng ba hoặc bốn ngày/tuần. Những ngày thứ Hai và thứ Sáu vốn rất huyên náo bỗng trở nên yên tĩnh ở một số khu kinh doanh. Nhà hát, quán bar tại nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại nhưng báo cáo cho thấy số lượng khách hàng vẫn ít hơn 40% so với trước dịch.

James Pomeroy, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Ngân hàng HSBC ở London, cho biết: "Những gì chúng tôi thấy trong dữ liệu là mức độ nhu cầu cho dịch vụ giải trí và quay trở lại văn phòng rất thấp". Tại thủ đô nước Anh, James Goolnick đã điều hành Tập đoàn nha khoa Bow Lane trong 22 năm, phục vụ chủ yếu cho chuyên gia tài chính, luật sư trong các tòa nhà văn phòng gần đó than thở: "Tình hình hiện nay giống như bộ phim về ngày tận thế, bởi vì chỉ có chúng tôi và những người bán thực phẩm mở cửa ở phố Watling". Trước đó, chỉ mới tháng 6/20202, đây là con phố sầm uất và luôn nườm nượp khách ra vào. 

Mary Gillmore, chủ sở hữu của thẩm mỹ viện ở khu lân cận, Beauty Essence cũng đã chứng kiến ​​sự suy thoái chưa từng có trong suốt 26 năm kinh doanh. Cô ước tính lưu lượng khách một số ngày chỉ bằng 40% so với trước đây: "Công việc kinh doanh của tôi đã rất thành công cho đến khi bị gián đoạn bởi đại dịch". Do không thể dựa vào dòng người đi làm, Gillmore hiện phải dựa vào khoản trợ cấp từ thành phố London nơi cô đang cố gắng thu hút cơ sở khách hàng mới thông qua các chiến dịch truyền thông. Cô cho biết, rất nhiều cửa hàng ở trung tâm London sẽ phải đóng cửa vào dịp Giáng sinh vì không thể kiếm đủ tiền.  Không riêng các khoản chi phí phải trang trải mà tiền thuê mặt bằng cũng là vấn đề lớn khiến các chủ doanh nghiệp đau đầu. Gillmore đã rất may mắn khi hợp đồng thuê hết hạn trong đại dịch và cô thương lượng được giảm tiền thuê nhà. Nhưng không phải ai cũng thuận lợi như vậy. Rajeshree Amin, chủ tiệm bán thuốc lá ở phố Cannon đã "tranh đấu" nhiều ngày để giảm được một khoản tiền thuê. 

Cách xa nửa vòng trái đất ở Sydney, Renée Baltov phải đối mặt với vấn đề tương tự đối với hai salon làm tóc sang trọng. Cô cho hay, gần như không thể kiếm đủ doanh thu để trang trải tiền thuê trong những tháng bị khóa cửa. Một trong những cửa hàng của cô ở khu Martin Place mang tính biểu tượng của thành phố, một con đường dành cho người đi bộ với các doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Dự trữ Úc và Ngân hàng Macquarie ngày càng vắng khách. Giờ đây, các cửa tiệm tại ngoại ô có sức hút hơn khi nhiều người đã quen với mô hình làm việc tại nhà. 

Tại Singapore, từ những ngày đầu thực hiện chiến lược Covid-zero cho đến các hạn chế đối với giới văn phòng và gần đây nhất là sống chung với dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ tỏng khu tài chính không kịp thích nghi. City Mobi là một cửa hàng nhỏ cung cấp dịch vụ sửa chữa và phụ kiện cho điện thoại di động ghi nhận doanh số bán hàng giảm hơn 60% kể từ khi đại dịch bùng phát. Người quản lý Henry Tey cho biết, cửa hàng chỉ tồn tại được nhờ khoản chiết khấu cho thuê từ chủ tòa nhà từ khoảng 4.000 đô la Singapore xuống còn 1.500 đô la Singapore. Mặc dù vậy, ba cửa hàng xung quanh gồm một tiệm massage, một hàng bán túi đã qua sử dụng và một tiệm bánh đã đóng cửa. Ông Tey cho hay City Mobi có thể sẽ chỉ trụ được đến cuối năm nay mà thôi.

Không chỉ các thay đổi về môi trường làm việc, đi lại tác động tiêu cực đến khu vực tài chính truyền thống mà đến ngay cả thói quen mua hàng cũng dẫn bị thay thế. Tầng trên của City Mobi mà một tiệm may đồ nam Verdi chuyên phục vụ các chủ ngân hàng, thương nhân vẫn tồn tại nhờ khoản tiết kiệm của chủ sở hữu Mohd Rafi. Thu nhập của cửa hàng đã giảm 70%, Rafi đóng cửa sớm hơn hai tiếng và giảm giá gần 1/3 đối với các mặt hàng theo mùa. Tuy nhiên khách hàng nhiều lần nói với Rafi rằng họ chỉ làm việc vài ngày trong tuần nên không cần quá chú trọng trang phục. Họ không cần những bộ quần áo cắt may kì công như vậy nữa. Mohd Rafi buồn bã nói: "Nếu không được giảm giá thuê 50% nhiều khả năng tôi phải đóng cửa. Nhưng tôi chưa muốn từ bỏ, tôi đã làm kinh đoanh được 24 năm, trải qua nhiều thăng trầm và tôi đang nỗ lực chiến đấu cuối cùng. Hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện vào quý đầu tiên của năm tới".

Cách quảng trường Far East Square vài dãy nhà, xa xa là văn phòng của JPMorgan và Amazon, cửa hàng sửa chữa giày Mister Chuan có vị trí đắc địa giữa hàng loạt các quán cà phê và nhà hàng. Chủ sở hữu Khek Ah Chuan từng kiếm được ít nhất 3.000 đô la Singapore đến 5.000 đô la Singapore một tháng, giờ thu nhập của anh không đủ để trả tiền thuê nhà dưới 2.000 đô la Singapore. Khek cũng đã phải dùng đến tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống. Anh chia sẻ: "May quá, mấy đứa con tôi ngoài 20 tuổi đã đi làm rồi. Không thì làm sao nuôi gia đình được, Tôi rất thất vọng. Tôi không chắc kế hoạch tiếp theo là gì".

Trên khắp Thái Bình Dương, sự phục hồi tại San Francisco đã tụt hậu so với nhiều thành phố khác của Hoa Kỳ. Ngày Lao động được cho là đánh dấu sự khởi đầu mới khi toàn dân được đi làm trở lại nhưng biến thể Delta khiến một số "gã khổng lồ" như Google, Twitter trì hoãn kế hoạch. Cuối tháng 10, chỉ hơn 1/4 nhân viên văn phòng đi làm trở lại. Tuy nhiên, trong khi đại dịch phần lớn ảnh hưởng xấu đến các cửa hàng và dịch vụ quy mô nhỏ và vừa ở trung tâm thành phố, một số ngành hàng như đồ bảo vệ chống dịch đã tăng gấp ba lần nhu cầu thông thường.

TL