Hàng giả lộng hành, doanh nghiệp điêu đứng

00:00 12/10/2020

Tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại ngày càng gia tăng, không chỉ gây tổn hại đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chia sẻ tại Diễn đàn thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam ngày 26/11, nhiều ý kiến cho biết hiện nay có nhiều người mẫu, diễn viên, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia quảng bá hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Vụ việc phi công, tiếp viên hàng không tiếp tay cho hàng nhập lậu… ngày càng gia tăng.

Tiếp tay cho hàng lậu

Thống kê cho thấy, trong năm 2019, thị trường mỹ phẩm đạt tốc độ tăng trưởng 38%, tạo ra doanh thu ước tính 12 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng, gian lận thương mại ngày càng gia tăng, không chỉ gây tổn hại đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc đối ngoại và truyền thông L’Oréal Việt Nam, cho biết sản phẩm mang tên L’Oréal tại Việt Nam trên cả 2 kênh online và offline gần như đang bị thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả chiếm hơn 60% thị phần.

Đáng báo động, bà Trinh chia sẻ thường xuyên chứng kiến tiếp viên và phi công của các đường bay có nguồn hàng nhập lậu chủ lực như Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đức… khi nhận hành lý tại băng chuyền mang ra mỗi người 3-4 thùng hàng trong khi quy định hành lý của Vietnam Airlines chỉ khoảng 23kg.

Tại các kho hàng cạnh sân bay cũng có thể nhìn thấy việc nhận hàng mỹ phẩm nhộn nhịp, không phải thông qua bất kỳ thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm như các DN chính hãng phải thực hiện, chẳng hạn như phải có công bố mỹ phẩm, chứng nhận CFS (tự do mậu dịch).

“Hàng mỹ phẩm thông qua đường hàng không hiện tại chính là nguồn hàng nhập lậu phổ biến và cần phải có biện pháp thực hiện quyết liệt và triệt để của Cục chống buôn lậu”, bà Trinh nói và kiến nghị Cục Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) không phản hồi với kiến nghị này bằng việc yêu cầu DN cung cấp bằng chứng.

“Yêu cầu này với chúng tôi là bất khả thi vì hoạt động đó diễn ra trên “sân nhà” của Cục nên DN không thể đi vào tìm bằng chứng được”, đại diện L’Oréal Việt Nam bày tỏ.

Hàng xách tay nhập lậu sau khi được tuồn vào trong nước sẽ được người kinh doanh thuê người nổi tiếng (diễn viên, người mẫu, nghệ sĩ) quảng cáo cho sản phẩm.

Tuy nhiên, hiện tại, bà Trinh nhận thấy công tác phối hợp giữa DN và cơ quan quản lý thị trường địa phương gặp khá nhiều khó khăn trong việc kiểm tra các cửa hàng online. Nguyên dân là do không có các quy định rõ ràng và không có biện pháp chế tài ngăn chặn, mặc dù các cửa hàng online hiện đang trở thành nơi phân phối chính thức cho nguồn hàng nhập lậu và hàng giả.

Đại diện L’Oréal Việt Nam cho rằng: kinh doanh mỹ phẩm online không cần xin giấy phép kinh doanh, cũng không cần phải thuê mướn mặt bằng, bởi có thể bán trên các sàn giao dịch mà không hề tốn chi phí, đồng thời cũng thoát được việc kiểm tra của các cơ quan quản lý thị trường về quy định nhãn phụ và hậu kiểm chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, người bán cũng không cần phải chứng minh với các sàn giao dịch sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng qua hồ sơ công bố mỹ phẩm và được ẩn danh, nên dù có thu nhập “khủng” vẫn được “miễn thuế” và miễn trừ trách nhiệm với người tiêu dùng vì không biết tìm người bán ở đâu.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết tình trạng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia quảng bá cho các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Trong đó, không ít sản phẩm còn nhập nhèm nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.

Hang-gia-long-hanh-doanh-nghie-1930-1374

Quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng buôn bán mỹ phẩm

Khó xử lý vi phạm trên mạng

Vừa qua, một trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật đã bị Cục Quản lý thị trường Tp.HCM kiểm tra, xử lý.

Như vậy có thể thấy nền kinh tế mạng đang được ưu ái tạo ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh cho các bên đang tham gia kinh doanh trên thị trường Việt Nam, gây thất thu thuế và không bảo vệ người tiêu dùng.

Bà Trinh kiến nghị Cục TMĐT và Kinh tế số cùng với Cục Quản lý cạnh tranh sớm đưa ra các quy định liên quan đến việc bảo vệ thương quyền, kinh doanh hàng giả trên mạng, các quy định về trách nhiệm cụ thể của sàn giao dịch TMĐT. Theo đó, đối tác kinh doanh trên sàn phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh và nộp thuế, tuân thủ các quy định kinh doanh hàng mỹ phẩm như có công bố mỹ phẩm từ Bộ Y tế...

Tuy nhiên, đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số cho rằng trên thực tế không thể khẳng định ngay những sản phẩm và hình ảnh được quảng bá trên mạng là hàng thật hay giả.

“Chúng tôi cũng không có chức năng kiểm tra, thẩm định việc đó thật hay giả. Hơn nữa, không ít đối tượng là trung gian, lấy sản phẩm đăng lên website, trang facebook cá nhân của mình, khi có đơn hàng lại đem đi đặt chỗ khác. Do đó, khi kiểm tra gặp không ít khó khăn, phải có căn cứ rõ ràng mới có thể xử lý”, ông Tuấn dẫn chứng.

Trong khi đó, ông Hoàng Ánh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, khẳng định việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trên internet rất khó khăn, đặc biệt là việc thu thập thông tin, manh mối cũng như chứng cứ đảm bảo căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm hành chính.

Thậm chí có trường hợp bán hàng tại Việt Nam nhưng cơ sở chính lại ở nước ngoài (server đặt tại nước ngoài); trang web, cơ sở giới thiệu sản phẩm ở một nơi nhưng nơi xuất hàng lại ở nơi khác. Các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngay tại nhà ở, trong thôn xóm để trốn tránh, dễ tẩu tán tang vật nếu bị phát hiện, kiểm tra.

“Nhu cầu tiêu dùng của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao. Tuy nhiên, việc chủ động phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, trong khi bản thân người mua hàng rất khó phát hiện”, ông Dương chia sẻ.

Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Thực tiễn dẫn đến một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính và thông thường các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn. Do đó, dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính. Tuy nhiên, cách xử lý này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thách thức đặt ra là yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao hơn, buộc các chủ thể tham gia phải tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt của chúng ta lại chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chưa được chặt chẽ. Do đó, để thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, cần tập trung giải pháp như nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường nguồn nhân lực, xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ…

Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường Các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng. Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng Internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa hoàn thiện.

Hoàng Hà