Hải Dương: Vào cuộc khôi phục sản xuất sau khi gỡ bỏ giãn cách xã hội

06:01 02/03/2021

Các doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là những doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng, đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để vừa chủ động phòng chống dịch, vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội.

Sản xuất, kinh doanh gắn liền với phòng chống dịch

Tại cuộc họp Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương sáng 1/3, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kết luận “không cần thiết phải kéo dài thêm thời gian cách ly”.

Được biết, Từ 0h ngày 3/3, toàn tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc cách ly xã hội theo chỉ thị 16, chuyển sang trạng thái mới thực hiện “mục tiêu kép”.

UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng triển khai phương án, kế hoạch để tiến hành sản xuất kinh doanh trở lại ngay thời điểm cuối đợt giãn cách và sau dịch
UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng triển khai phương án, kế hoạch để tiến hành sản xuất kinh doanh trở lại ngay thời điểm cuối đợt giãn cách và sau dịch (Ảnh: minh họa)

UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành văn bản cho phép các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Cẩm Giàng được hoạt động trở lại từ đầu tháng 3 nếu bảo đảm các điều kiện phòng dịch.

Nhận định từ lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho biết, tình hình dịch bệnh tại địa phương đến nay đã cơ bản được kiểm soát. Các ổ dịch lớn tại TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng (là các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp) cũng đã được khống chế.

Vì vậy, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng triển khai phương án, kế hoạch để tiến hành sản xuất kinh doanh trở lại ngay thời điểm cuối đợt giãn cách và sau dịch. Công tác phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi hoạt động trở lại được Hải Dương đặc biệt quan tâm.

Công văn ngày 27/2 của UBND tỉnh nhấn mạnh nội dung yêu cầu các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể gắn với phòng chống dịch. Cơ sở sản xuất phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch tại đơn vị theo đúng quy định của Bộ Y tế gắn với thực hiện tốt “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế”.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương đã có văn bản hướng dẫn vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực phong tỏa, cách ly phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương

Công tác phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh khi hoạt động trở lại được Hải Dương đặc biệt quan tâm (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có xuất hiện dịch bệnh thời gian qua trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, ngoài yêu cầu lập kế hoạch như trên cần tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh và huyện để rà soát, xử lý triệt để các yếu tố nguy cơ dịch bệnh trong cơ sở và từ người lao động. Từ đó lập báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh xem xét thống nhất trước khi hoạt động trở lại.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương căn cứ vào tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nhu cầu hoạt động trở lại của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng kế hoạch theo yêu cầu trên và trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phòng chống dịch bắt đầu từ tháng 3. Chủ động phối hợp với Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Cẩm Giàng, các cơ quan liên quan quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Các Sở: Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế và UBND huyện Cẩm Giàng chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức quản lý, hướng dẫn, tạo điều kiện cho các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Cẩm Giàng hoạt động thuận lợi, bảo đảm an toàn phòng chống dịch; tổ chức tốt công tác phòng chống dịch tại các khu dân cư, thôn xóm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Hướng tới mở cửa các doanh nghiệp trở lại hoạt động vào tháng 3, UBND tỉnh Hải Dương đã có những hướng dẫn để các doanh nghiệp triển khai. Theo đó, người lao động tại các doanh nghiệp hoạt động trở lại phải đảm bảo thực hiện “5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế” trong suốt thời gian làm việc, nghỉ giải lao, ăn trưa cho tới khi rời khỏi doanh nghiệp, phải có sự giám sát cũng như đảm bảo điều kiện làm việc của người lao động gắn với phòng dịch. Cùng với đó, các doanh nghiệp có bộ máy y tế cần tăng cường quan tâm đến người lao động có hiện tượng bất thường về mặt sức khỏe gắn với phòng dịch, kịp thời phối hợp với các cơ quan y tế của các cấp kịp thời khoanh, dập dịch nếu có.

Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó để khởi động sản xuất

Số liệu thống kê cho biết, tỉnh Hải Dương có 14.000 doanh nghiệp và khoảng trên 350.000 người lao động. Thời gian qua, không ít doanh nghiệp tại Hải Dương phải dừng hoạt động để cùng chính quyền các cấp phòng chống dịch lây lan trên diện rộng.

Từ 27/2, một số doanh nghiệp trên địa bàn Hải Dương đã bắt đầu hoạt động trở lại, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển sản xuất kinh doanh.

Để khắc phục khó khăn, 120 lao động của Công ty TNHH ANT (HN) tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đang phải kiêm nhiều vị trí việc làm

Để khắc phục khó khăn, 120 lao động của Công ty TNHH ANT (HN) tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đang phải kiêm nhiều vị trí việc làm (Ảnh: báo Hải Dương)

Đến thời điểm hiện tại, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, báo Hải Dương cho biết Công ty TNHH ANT tại xã Tân Trường (huyện Cẩm Giàng) chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, mỗi ngày bán ra thị trường khoảng 1.000 tấn sản phẩm các loại. Từ khi Cẩm Giàng bị phong tỏa, doanh nghiệp này phải dừng hoạt động. Sau khi đáp ứng được các điều kiện phòng chống dịch COVID-19, ngày 25/2, Công ty đã hoạt động trở lại nhưng chỉ có khoảng 120 lao động cư trú tại huyện Cẩm Giàng đến làm việc. Khoảng 300 lao động ở các địa phương khác vẫn đang nghỉ làm, chờ hướng dẫn cụ thể.

“Từ ngày 25/2 đến nay, 120 lao động làm việc được bố trí ăn ngủ tại công ty. Thiếu lao động đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp. Để khắc phục, mỗi công nhân phải làm việc vất vả hơn, một người kiêm nhiều vị trí khác nhau”, bà Vũ Thị Thanh, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự của công ty cho biết.

Chưa được hoạt động trở lại như doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam trong khu công nghiệp (KCN) Tân Trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo yêu cầu của UBND tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh để sẵn sàng hoạt động trở lại ngay đầu tháng 3 này. Bà Nguyễn Thị Phượng - Giám đốc Nhân sự công ty cho biết doanh nghiệp đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh sau dịch, lập danh sách các lao động sẽ đi làm trở lại và gửi cam kết phòng chống dịch đến Ban Quản lý các KCN tỉnh. Công ty TNHH Hitachi Cable Việt Nam đã đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch theo hướng dẫn; phối hợp tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 260 lao động thường trú tại huyện Cẩm Giàng. Khi Công ty được hoạt động trở lại, 260 công nhân này sẽ làm việc trước. Gần 300 lao động còn lại ở ngoài huyện sẽ đi làm sau khi có hướng dẫn cụ thể.

Công ty Cổ phần Trung Kiên có 3 nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu ở huyện Kim Thành. Để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, các nhà máy của Công ty vẫn đang phải tạm dừng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Tăng - Giám đốc Đầu tư CCông ty Cổ phần Trung Kiên thông tin, thời điểm hiện tại, Công ty đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, sản xuất bị ngừng trệ khiến Công ty đối diện với nguy cơ mất khách hàng tiềm năng. Công ty Cổ phần Trung Kiên đang sắp xếp, phối hợp với bộ phận kinh doanh xử lý từng bước các vướng mắc.

Từ ngày 14/2 đến nay, Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam trong KCN Phúc Điền (huyện Cẩm Giàng) vẫn dừng hoạt động để phòng chống dịch. Tuy nhiên, để không bị ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng linh kiện toàn cầu của khách hàng, Công ty này đã báo cáo ngành chức năng của tỉnh được phép giao hàng cho khách hàng trong ngày 26 và 27/2. Đáp lại, nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam và đối tác được giao nhận hàng dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, UBND tỉnh Hải Dương cần xem xét điều kiện doanh nghiệp phải xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tất cả lao động khi quay trở lại làm việc. Bởi thực tế, nhiều lao động tại địa phương đã được chính quyền xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải xét nghiệm lại sẽ gây tốn kém. Việc phải bố trí ăn ở tại chỗ cho người lao động trong thời gian địa phương bị phong tỏa, cách ly y tế cũng khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn. Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện và yên tâm hoạt động trở lại.

Trần Linh (T/h)