Người Hà Nội vẫn mong được sống trong môi trường văn minh, được đọc sách trên tàu điện... (Trong ảnh: Tuyến xe buýt chất lượng cao Lê Duẩn - Nội Bài). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người Hà Nội vẫn mong được sống trong môi trường văn minh, được đọc sách trên tàu điện... (Trong ảnh: Tuyến xe buýt chất lượng cao Lê Duẩn - Nội Bài). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Tham gia giao thông sợ hơn cả ra trận Thảo luận về Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 (gọi tắt: Đề án quản lý phương tiện giao thông), trong ngày họp thứ 2 của HĐND thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Tiến Minh cho rằng, phương tiện cá nhân trên địa bàn thành phố hiện gia tăng không có sự kiểm soát và đến nay số lượng xe máy đã có trên 5,2 triệu chiếc, ô tô gần 500 nghìn chiếc và xe ngoại tỉnh 1,2 triệu chiếc… gây quá tải cho hạ tầng giao thông. Việc UBND thành phố trình dự thảo đề án để HĐND TP cho ý kiến là rất cần thiết. “Ngoài gây ùn tắc, quá tải, xe máy còn là phương tiện chiếm tới 70% số vụ tai nạn giao thông”, ông Minh cho hay. Đại biểu Hoàng Huy Được cho rằng, một trong những nguyên nhân làm đường ùn tắc có phần ý thức người tham gia giao thông. Lâu nay công tác kiểm tra, rà soát việc đào tạo, cấp bằng lái xe chỉ chú trọng đến các trung tâm đào tạo ô tô, xe máy hầu như bỏ ngỏ, việc này góp phần làm ý thức nhiều người tham gia giao thông bằng xe máy chưa cao. “Thực trạng giao thông Hà Nội hiện nay làm cho tôi mỗi khi ra đường, sang đường còn sợ hơn cả khi còn cầm súng ra chiến trường”, đại biểu Được nói. Với tình hình giao thông Hà Nội hiện nay, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng, đề án nay mới đưa ra là muộn so với thực tế. Theo ông Đoàn, mỗi năm Hà Nội đang thiệt hại nửa tỷ USD do ùn tắc. Để tạo thói quen cho người dân sử dụng vận tải công cộng (VTCC) và từng bước bỏ xe cá nhân, thành phố nên miễn phí cho người dân đi lại bằng xe buýt.
Hà Nội thông qua đề án quản lý xe cá nhân: Dân đi bộ 500m là gặp xe công cộng ảnh 1
Lượng phương tiện tại Hà Nội đang gia tăng tự nhiên và gây ùn tắc trầm trọng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Công nghệ giúp giảm ùn tắc Nhận xét về giải pháp của đề án, đại biểu Nguyễn Thanh Bình cho rằng, VTCC sẽ là xương sống, do vậy thành phố cần đầu tư phát triển mạnh. “Nếu chỉ chú trọng vào xe buýt thì đến năm 2030, cho dù có tăng trưởng gấp đôi xe buýt cũng chỉ đạt khoảng 21% nhu cầu. Để người dân có phương tiện đi lại khi bỏ xe máy, thành phố phải quyết liệt trong phát triển các loại hình vận tải khác như BRT, đường sắt đô thị…”, ông Bình lưu ý. Theo đại biểu Hoàng Huy Được, một giải pháp cũng mang tính quyết định đến việc giải quyết ùn tắc là thực hiện có hiệu quả quy hoạch nhà cao tầng trong nội đô. Tuy nhiên đề án không thấy đề cập đến nội dung này. Hiện nhà cao tầng trong nội đô mọc lên nhiều, kéo theo đó là dân cư tập trung đông dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông. Đại biểu Nguyễn Xuân Lưu nêu ý kiến, UBND thành phố cần áp dụng triệt để việc áp dụng công nghệ trong quản lý, điều tiết giao thông. Theo ông, đề án có nêu giải pháp kiểm soát ô tô bằng việc có quy định mở tài khoản ngân hàng và lắp đặt hệ thống tính phí tự động là rất cần thiết và cần thực hiện sớm. Từ tài khoản tính phí này sẽ kiểm soát, thậm chí hạn chế được việc đi lại của xe ô tô. Đại biểu Nguyễn Minh Đức dẫn chứng cụ thể: “Để duy trì trật tự giao thông trên đường, 4 năm trước thành phố Matxcova (Nga) phải duy trì 20 nghìn CSGT, nhưng nay do ứng dụng công nghệ quản lý giao thông thông minh, số lượng CSGT này đã chuyển sang làm việc khác”. 31 tỷ USD nâng tầm vận tải công cộng Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định tất cả các ý kiến của đại biểu sẽ được cơ quan xây dựng đề án tiếp thu, nghiên cứu áp dụng và sẽ có báo cáo lại kết quả với HĐND thành phố. Ông Viện cho biết, đề án gồm có 6 nhóm giải pháp tổng thể, riêng nhóm giải pháp thứ 3 được chia thành 6 giải pháp nhỏ với 45 nội dung, trong đó 38 nội dung thuộc thẩm quyền thành phố, 7 nội dung thuộc thẩm quyền các bộ ngành. Với các nhóm nội dung thuộc thẩm quyền của thành phố, sau khi đề án được HĐND thành phố thông qua, các cơ quan liên quan sẽ triển khai ngay, trong đó có tập trung cho công tác phát triển VTCC, đặc biệt là phát triển các loại hình vận chuyển theo khối lớn để tăng thị phần vận chuyển như ĐSĐT, BRT… Riêng ĐSĐT, ngoài hai tuyến sắp đưa vào sử dụng là Cát Linh – Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ thực hiện thêm 10 tuyến ĐSĐT khác với tổng kinh phí 31 tỷ USD. Để thực hiện tốt chủ trương dừng hoạt động xe máy, đề án đặt ra chỉ tiêu đến năm 2030, người dân trong khu vực dừng hoạt động của xe máy chỉ cần đi bộ dưới 500m là tiếp cận điểm dừng xe công cộng (tỷ lệ hiện nay là 40%). Với 20% khu vực dân cư còn lại, chủ yếu nằm trong các khu tập thể, dân cư xa đường lớn, thành phố sẽ xây dựng phương án kết nối bằng xe đạp công cộng, taxi giá rẻ, thậm chí là đi bộ… Tuy nhiên, phương án kết nối bằng taxi giá rẻ có tính khả thi cao nên sẽ được thành phố lưu ý. “Từ khu dân cư Văn Chương (Đống Đa) nếu đến bến xe Yên Nghĩa là 14 km. Để tiếp cận VTCC, người dân cần ra đường Tôn Đức Thắng. Từ khu Văn Chương nếu đi taxi ra Tôn Đức Thắng sẽ hết 7.000 đồng/lượt, cộng với đi xe buýt 7.000 đồng/lượt nữa là 14.000 đồng. Với quãng đường 14km mà đi hết 14.000 đồng là chấp nhận được”, ông Viện đánh giá. (Theo Trọng Đảng - Tienphong.vn)