Hà Nam ưu tiên thu hút FDI vào công nghiệp hỗ trợ

00:00 12/10/2020

Sự phát triển của các doanh nghiệp FDI là một nhân tố quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của Hà Nam.

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 240 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 2,7 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Với vị trí ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, từ một tỉnh thuần nông, bằng những cơ chế, chính sách cùng với nỗ lực khắc phục khó khăn, Hà Nam đang dần khẳng định sức thu hút mạnh mẽ, đặc biệt là trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 

Đột phá trong thu hút đầu tư... 

Năm 1997, tỉnh Hà Nam được tái lập và nông nghiệp chiếm 52% cơ cấu kinh tế. Toàn tỉnh có khoảng 50 doanh nghiệp, thu ngân sách chỉ đạt khoảng 72,4 tỷ đồng. Với quyết tâm vượt khó, Hà Nam đã tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; trong đó, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trọng tâm là xây dựng môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. 

Tỉnh Hà Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan truyền thông phát hành các tài liệu xúc tiến đầu tư, quảng bá, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp qua các hội nghị, hội thảo, làm việc với các đối tác, các tổ chức nước ngoài như: Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và đại diện các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài… 

Đồng thời, tỉnh tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; thành lập Trung tâm hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp; ký kết hợp tác về giao lưu kinh tế, văn hóa và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào tỉnh Hà Nam với các tỉnh Hyogo, Hiroshima, thành phố Kobe (Nhật Bản) và tỉnh Gyeonggi-do, Hiệp hội giao lưu Hàn Việt – KOVEA (Hàn Quốc). 

Đặc biệt, tỉnh Hà Nam đã đưa ra 10 cam kết với nhà đầu tư gồm: cung cấp điện 24/24h; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ đến chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục nhanh gọn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; giao đất không thu tiền để xây nhà cho công nhân; tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất; phục vụ hải quan nhanh gọn; đảm bảo an ninh trật tự, không đình - bãi công; thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin từ doanh nghiệp. 

Nhờ những nỗ lực trong thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam đã mở đường, trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, thu hút đầu tư tăng trưởng nhanh, luôn nằm trong Top 10 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, thu hút FDI giai đoạn 2011 – 2015 tăng 3 lần về số dự án và vốn đầu tư so với giai đoạn 2006 - 2010. Riêng 2 năm 2016, 2017, thu hút FDI bằng 1,3 lần giai đoạn 2006 - 2010 về số dự án và gấp 2,4 lần về số vốn. 

Hiện trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 240 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 2,7 tỷ USD; trong đó, các khu công nghiệp có 205 dự án FDI với vốn đăng ký gần 2,52 tỷ USD, ngoài các khu công nghiệp có 35 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 186,5 triệu USD. 

Sự phát triển của các doanh nghiệp FDI là một nhân tố quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế của địa phương. Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ các doanh nghiệp FDI đạt gần 3.260 tỷ đồng, chiếm 53,1% tổng số thu ngân sách trên địa bàn; năm 2016 và 2017, thu ngân sách đạt gần 2.320 tỷ đồng. 

Từ đầu năm 2018 đến nay, nộp ngân sách của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.000 tỷ đồng chiếm 40,7% tổng thu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và bằng 32% tổng số thu ngân sách của tỉnh năm 2017. Các doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho gần 58.300 lao động, bằng 44,3% tổng số lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 40.911 tỷ đồng chiếm 52,04% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh… 

... nhưng quy mô còn nhỏ 

Mặc dù, đã đạt được nhiều kết quả khả quan trong thu hút đầu tư, tuy nhiên, Hà Nam vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn như: việc quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh tới các nhà đầu tư tuy được quan tâm nhưng vẫn chưa được thường xuyên, liên tục nên ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, tỉnh chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Các dự án FDI trên địa bàn đa số là quy mô vừa và nhỏ, lĩnh vực sản xuất chủ yếu tập trung vào gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Dây chuyền công nghệ còn ở mức độ trung bình, chưa có nhiều sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm mũi nhọn của tỉnh. 

Ngoài một số dự án FDI có hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách tốt, tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định thì vẫn tồn tại nhiều dự án đầu tư có hiệu quả chưa cao, mức độ đóng góp ngân sách thấp. Một trong những mục tiêu thu hút doanh nghiệp FDI là thu hút công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ... chưa đạt được. 

Theo ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, khó khăn này là do nguồn lực dành cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. 

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng xã hội phục vụ hoạt động của doanh nghiệp FDI và dịch vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp (như: điện, nước, viễn thông, nhà ở công nhân, chuyên gia, logistics..) chưa đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn hạn chế, thiếu lao động lành nghề, lao động có chuyên môn, kỹ thuật cao nên hạn chế khả năng thu hút các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao. 

Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại tỉnh chưa phát triển nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là những dự án có quy mô lớn, trình độ công nghệ cao. 

Ưu tiên vào công nghiệp hỗ trợ 

Ông Nguyễn Văn Oang, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, để tiếp tục thu hút đầu tư vào địa phương, trong thời gian tới, trên nền tảng những giải pháp, bài học thành công, tỉnh Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút gọn quy trình, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp; vận dụng linh hoạt các chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trọng điểm.

Mặt khác, nghiên cứu, đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách đặc thù với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư; triển khai có hiệu quả mô hình hành chính công từ tỉnh đến huyện; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp, đất đai, đầu tư, xây dựng, kê khai nộp thuế; cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường và thân thiện môi trường; nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, dược phẩm; đồng thời, phát triển thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước, tạo chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ để phát triển ổn định, bền vững… 

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nam tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực có năng lực sáng tạo; ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược. 

Hà Nam phấn đấu đến năm 2030, đa số các sản phẩm công nghiệp được phát triển theo công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thanh Tuấn/TTXVN