GS.VS. Trần Đình Long góp ý Dự thảo Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng

11:27 06/11/2020

GS.VS. Trần Đình Long là Viện sĩ duy nhất hiện nay của Việt Nam về ngành Nông nghiệp. Hiện, ông là Chủ tịch Hội giống Cây trồng Việt Nam; Uỷ viên Hội đồng tư vấn về KHCN &MT thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Với góc nhìn của Chuyên gia hàng đầu về ngành Nông nghiệp, ông đã đưa ra những góp ý quan trọng vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

GSVS. Trần Đình Long là tác giả và đồng tác giả của 26 giống cây trồng mới; công bố 125 công trình khoa học trên tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước; đã xuất bản 20 cuốn sách, giáo trình giảng dạy nông nghiệp. Ông còn tham gia đào tạo 35 Tiến sĩ chuyên ngành di truyền và chọn giống cây trồng, khoa học cây trồng...

Phóng viên Doanh nghiệp & Hội nhập có cuộc phỏng vấn ngắn với ông về những góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng:

GS.VS. Trần Đình Long.

PV: Thưa Giáo sư, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, tại Mục II. Tầm nhìn và định hướng phát triển, nêu rõ: “Về Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Xây dựng nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp, theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp, hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.  Là chuyên gia hàng đầu về ngành Nông nghiệp; là Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt nam, ông có ý kiến gì góp ý cho Dự thảo Văn kiện Đại hội?

GS.VS. Trần Đình Long:

Tôi đã nghiên cứu toàn bộ Dự thảo Văn kiện Đại hội 13 của Đảng và cơ bản nhất trí cao với Dự thảo. Tuy nhiên, xin được góp ý vào văn kiện về xây dựng mô hình phát triển kinh tế như sau: Đối với mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, nếu chỉ dựa vào phát triển công nghiệp là chưa đầy đủ. Việt Nam có tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn rất cao, chúng ta lại có lợi thế về nông nghiệp (kinh tế nông nghiệp, kinh tế lâm nghiệp, kinh tế biển), lợi thế về tài nguyên thiên nhiên (đa dạng sinh học), lợi thế về đất đai (đất phù sa Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long, đất đỏ bazan ở Tây Nguyên), lợi thế về khí hậu, thời tiết (từ đèo Hải Vân vào phía Nam là khí hậu nhiệt đới điển hình, từ đèo Hải Vân ra phía Bắc là khí hậu Á nhiệt đới, có thể nuôi, trồng suốt cả năm).

Hiện hằng năm, kim ngạch xuất khẩu nông sản của ta đạt 41 tỉ USD, xuất đi trên 180 nước trên thế giới (chủ yếu là xuất thô). Nếu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và đột phá trong công nghệ sau thu hoạch (chế biến sâu), cho tới năm 2030/2045, kim ngạch xuất khẩu nông sản sẽ có thể đạt trên 400 tỉ USD /năm, Việt Nam có thể trở thành cường quốc về nông nghiệp. Ví dụ: Đậu tương năng suất bình quân là 2 tấn/ha, giá trị 25 triệu /ha, nhưng nếu biến thành sữa sẽ đạt 400 triệu/ha; chế biến thành mĩ phẩm có thể 2 tỷ/ha; đối với Cỏ ngọt cũng vậy… Hơn nữa, trong các nghị quyết của Đảng luôn coi nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bổ sung cụm từ nông nghiệp sau cụm từ công nghiệp và sửa lại mục tiêu như sau:

Về Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thanh lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thanh lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Tóm lại, Việt Nam cần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

PV: Về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Dự thảo Văn kiện nêu rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu chuyển giao…”. Ông có ý kiến gì về định hướng phát triển đất nước giai đoạn này?

GS.VS. Trần Đình Long:

Tôi thấy rằng, Dự thảo chưa nêu được vai trò chủ chốt của khoa học công nghệ. Đề nghị bổ sung: Tạo đột phá để KHCN thực sự là động lực trực tiếp để phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Vì ở Mục 2.trang 29 đã viết: Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cũng ở Mục 2, đoạn viết về nông nghiệp, tôi đề nghị bổ sung thêm: phát triển nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Tạo đột phá trong công nghệ sau thu hoạch bao gồm bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, đổi mới thể chế nông thôn (hình thức tổ chức sản xuất).

GS.VS. Trần Đình Long chụp ảnh cùng PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập.

PV: Về những nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược nêu trong Dự thảo, Giáo sư có ý kiến gì?

GS.VS. Trần Đình Long:

Trong Dự thảo Văn kiện có nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Theo tôi, cần thống nhất giữa nhiệm vụ trọng tâm thứ 2: Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập…Trong khi ở đột phá chiến lược số 1 lại ghi Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

PVXin cảm ơn Giáo sư!

Trang Nhung (Thực hiện)