GS.TS Hoàng Văn Cường: Không phải cần mà rất cần tái cơ cấu nền kinh tế

13:02 31/10/2021

"Tôi thấy rằng cơ cấu lại nền kinh tế chính là thay đổi về cơ cấu, hay chính là thay đổi quan hệ tỷ lệ, phân bổ nguồn lực để làm thay đổi tốc độ quy mô, tốc độ phát triển các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế…. Với cách hiểu như thế, tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, không phải cần mà rất cần thiết cơ cấu lại nền kinh tế", ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu trước Quốc hội.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Đề nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 2.

ĐBQH - GS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân.

Theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế chúng ta đang mất cân đối. Nhiều đại biểu đã chỉ ra vấn đề như là vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không hiệu quả. Trong khi đó, khu vực tư nhân không có khả năng tiếp cận.

"Hoặc chúng ta thấy nhiều vùng có tiềm năng phát triển tốt nhưng đầu tư phát triển lại không tương xứng. Chẳng hạn như Đồng bằng sông Cửu Long. Tốc độ đầu tư hạ tầng thấp hơn nhiều so với vùng khác. Hoắc các vùng kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng nhưng cách khai thác, đầu tư, phát triển kinh tế biển hầu như chưa được quan tâm", Đại biểu Cường nêu ví dụ.

Vị Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, nền kinh tế đang thiếu trụ cột để tạo nên nền kinh tế phát triển tự chủ và bền vững.

"Nhiều Đại biểu cũng nói rằng, nền kinh tế của chúng ta phụ thuộc chủ yếu vào FDI. Xuất khẩu thì có 70% là FDI. Trong đó 70% là giá trị bên ngoài. Điều đó có nghĩa là 50% tăng trưởng của chúng ta là đang đi tăng trưởng hộ các nước khác. Chúng ta đang nhận phần giá trị gia tăng rất nhỏ, dẫn tới giá trị lao động của chúng ta thấp. Phải chăng chúng ta cứ mãi mãi làm khâu giá trị thấp đó?. Do đó, chúng ta cần thiết phải thay đổi", Đại biểu Cường nói.

Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một quốc gia hùng cường. Tuy nhiên, Đại biểu Cường cho rằng, quốc gia hùng cường nào cũng phải dựa trên các trụ cột hoặc các tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế đất nước mà còn vươn ra thế giới hay nắm được các yết hầu kinh tế thế giới như tài chính ngân hàng hay huyết mạch về hàng hóa, tiền tệ.

"Nước ta, chúng ta thấy hầu như chưa có các trụ cột này. Điển hình, vận tải đường sắt đô thị là rất cần thiết vì chúng ta có nhiều đô thị lớn, bao gồm cả trục Bắc – Nam cần đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, chúng ta lại đang dùng tiền đi thuê nước ngoài xây dựng từng đoạn đường và đã thấy nảy sinh hàng loạt những hệ lụy bất cập", ông Cường nói.

Cùng với đó, vị đại biểu Đoàn Hà Nội đặt câu hỏi liệu chúng ta có cần thiết phải tạo dựng lên các cơ chế tạo dựng lên những tập đoàn vững mạnh để làm trụ cột trong lĩnh vực như công nghiệp đường sắt, cảng biển… để tạo ra thế chủ động của chúng ta hay không.

"Những tác động từ đại dịch và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại. Hiện nay, tất cả các lĩnh vực đều đang được cơ cấu lại. Thậm chí ngay trong hộ gia đình, cách chi tiêu, cách sử dụng đồng tiền cũng đang thay đổi. Trong một tổ chức doanh nghiệp, tổ chức hoạt động cũng thay đổi, loại bỏ đi những hoạt động không cần thiết….", ông Cường nói.

Những điều đó đặt ra nền kinh tế cần thay đổi nhiều hơn. Hiện nay, phân bổ nguồn lực, phân bổ phát triển các vùng không cân đối, tập trung quá vào một số các điểm đã gây ra những hậu quả nặng nề như trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

"Chúng ta muốn đi đầu trong CMCN 4.0 nhưng đã làm chủ được gì trong công nghệ này. Hiện tại, hội họp vẫn dùng các phần mềm nước ngoài. Chúng ta có đầu tư để làm chủ lĩnh vực này hay không. Tôi thấy chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ lĩnh vực này nếu đặt hàng các tập đoàn, các nhà đầu tư trong nước", Đại biểu Cường nói.

Từ những vấn đề đã nêu, ông Cường cho rằng cần có cơ chế đột phá để tạo lập ra chỗ đứng, thay đổi các phương thức đầu tư chứ không phải thực hiện các biện pháp thông thường.

PV