GoTo và Grab: Cuộc đụng độ của những siêu ứng dụng trị giá 40 tỷ đô la

10:22 19/05/2021

Hai trong số các công ty khởi nghiệp công nghệ lớn nhất ở Indonesia, Gojek và Tokopedia đã thông báo rằng họ sẽ hợp nhất. Đây là một thỏa thuận lớn cho thấy Đông Nam Á được coi là điểm nóng tiếp theo về công nghệ khi các quy định tại Trung Quốc đang dần bị thắt chặt.

Sự hợp nhất của Gojek và Tokopedia mới đây đã thiết lập một cuộc chiến giữa các "siêu ứng dụng" trong khu vực Đông Nam Á, một cuộc chiến có thể khiến các nhà đầu tư rất hứng thú. Người tiêu dùng trong khu vực cũng có thể được hưởng lợi khi các dịch vụ tài chính kỹ thuật số nhanh chóng được mở rộng. 

Trước đó vào thứ Hai (17/5), hai kỳ lân của Indonesia cho biết rằng họ sẽ hợp nhất để tạo ra một công ty bao gồm các dịch vụ gọi xe, thương mại điện tử và tài chính. Thực thể kết hợp sẽ được gọi là GoTo Group, dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu ra công chúng ở cả New York và Jakarta, với định giá thị trường mục tiêu từ 35 tỷ đến 40 tỷ đô la. Đối thủ của họ, Grab có trụ sở tại Singapore, cho biết vào tháng trước rằng họ sẽ niêm yết cổ phiếu với giá trị khoảng 40 tỷ USD thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (hay còn gọi là SPAC).

Gojek và Tokopedia đang có kế hoạch kết hợp, tạo ra một công ty dịch vụ tài chính và dịch vụ gọi xe, thương mại điện tử và sẽ ra mắt công chúng vào cuối năm nay.
Việc sáp nhập giữa Gojek và Tokopedia sẽ tạo ra một công ty hoạt động đa mảng từ dịch vụ tài chính và dịch vụ gọi xe, thương mại điện tử.

Thỏa thuận GoTo quy tụ một loạt các nhà đầu tư nổi tiếng như Google, Facebook và PayPal , cùng với Alibaba, Tencent và JD.com ở Trung Quốc. Điều đó cho thấy Đông Nam Á, với hơn 600 triệu dân  được coi là khu vực tiếp theo có thể tạo ra sự tăng trưởng bùng nổ. Trong khi đó, Sea Group, công ty mẹ đứng sau trang thương mai điện tử Shopee có trụ sở tại Singapore hiện có giá trị 112 tỷ USD, sau khi tăng hơn 13 lần kể từ khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2017. Các mảng kinh doanh của công ty do Tencent hậu thuẫn bao gồm trò chơi, thương mại điện tử và dịch vụ tài chính đều tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài việc nhận được sự hỗ trợ về tài chính, những công ty mới nổi ở Đông Nam Á này cũng đang đi theo con đường của những gã khổng lồ internet Trung Quốc. Mô hình “siêu ứng dụng” tương tự như WeChat của Tencent , cung cấp các dịch vụ từ nhắn tin đến thanh toán. Lĩnh vực thương mại điện tử được đánh giá sẽ là một cuộc chiến gay gắt nhất. Ngày càng nhiều người Đông Nam Á mua sắm trực tuyến, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Theo Euromonitor International, thị trường thương mại điện tử của Indonesia đã tăng hơn 4 lần từ năm 2016 lên 48 tỷ USD vào năm 2020.

Dịch vụ tài chính cũng có thể là lĩnh vực có triển vọng dài hạn nhất, vì Đông Nam Á nói chung vẫn có số lượng người tương đối lớn chưa sử dụng các dịch vụ do các ngân hàng truyền thống cung cấp. Grab và Sea có giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore, trong khi Gojek sở hữu cổ phần trong một ngân hàng kỹ thuật số của Indonesia. Họ có thể cố gắng tận dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của mình để cung cấp các dịch vụ tài chính khác như bảo hiểm và cho vay, giống như mô hình được sử dụng bởi Tencent và Ant của Trung Quốc, được hỗ trợ bởi Alibaba. Trớ trêu thay, mô hình này đang bị đe dọa ở Trung Quốc khi các cơ quan quản lý tăng cường giám sát. Đây cũng có thể là một vấn đề ở Đông Nam Á, nhưng cho đến nay các chính phủ dường như vẫn đang ủng hộ.

Với việc Grab và GoTo sớm ra mắt thị trường, Đông Nam Á ngày càng được coi là khu vực lớn tiếp theo cho sự đổi mới dịch vụ internet và fintech.

Bảo Bảo (Theo WSJ)