Gói kích thích kinh tế: Quan trọng là tính thực thi

11:15 31/12/2021

Trong khi nền kinh tế đang chịu tác động to lớn của đại dịch Covid-19, rõ ràng một gói phục hồi kinh tế đủ lớn để tránh nguy cơ tụt hậu so với thế giới là rất cần thiết. Tuy nhiên, thay vì quá quan tâm tới quy mô của gói kích thích, điều cần thiết là cần có cơ chế thực thi như thế nào để nguồn lực của gói kích cầu đến đúng đối tượng, đạt được hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài.

Trong khủng hoảng tài chính thế giới giai đoạn 2009-2010, Việt Nam cũng đã ban hành gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, do thiếu cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai, thực thi chính sách kích cầu nên khi gói kích thích kinh tế quy mô lớn được thực hiện, dòng tiền đã không "chảy" vào sản xuất như mong đợi mà chủ yếu lại vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản. Hệ lụy để lại là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự hồi phục kinh tế, dẫn tới chu kỳ suy giảm kéo dài từ năm 2010 đến năm 2013. Hiện nay, quy mô gói phục hồi kinh tế năm 2022 được đề xuất từ 500 nghìn tỷ đồng đến 800 nghìn tỷ đồng, triển khai trên cơ sở kết hợp cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa (TTXVN).

Nhìn thẳng thực tế, một gói kích thích kinh tế quy mô mới là một yếu tố, yếu tố còn lại là phải vừa sức với năng lực quản lý và hiệu quả của việc giải ngân nguồn vốn này. Dưới góc độ tài khóa, quy mô gói kích thích phải tính đến sự tác động tới kinh tế vĩ mô, đến thâm hụt ngân sách nhưng phải trong phạm vi cho phép và phải tính đến khả năng trả nợ.

Bên cạnh đó, một câu hỏi đặt ra là, tới đây, nguồn lực của gói kích cầu mới sẽ được đầu tư vào những dự án như thế nào, khả năng thực hiện giải ngân nguồn vốn tại các dự án đó ra sao? Đây là câu hỏi quan trọng trong bối cảnh năng lực giải ngân còn chậm như hiện nay. Điều đó cũng cho thấy, thay vì kêu gọi phải có gói kích cầu khủng, trước hết, chúng ta nên và hoàn toàn có thể sử dụng hiệu quả dư địa nguồn lực đang có sẵn, đơn cử như như nguồn vốn phát triển trong nước đã được phân khai theo kế hoạch đầu tư trung hạn…

Việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách, đảm bảo việc đưa chính sách vào đời sống đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, quyền kinh doanh của DN cần được bảo vệ, điều này sẽ giúp cho DN cũng như nền kinh tế phát huy được nội lực để tạo ra nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công được đánh giá còn lớn hơn cả các gói hỗ trợ hàng trăm ngàn tỷ đồng. Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực này sẽ tạo sức ép cho các chủ đầu tư phải sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả, qua đó tạo cơ hội đầu tư, phục hồi cho DN khu vực tư nhân.

Hoài Anh