Gói kích thích 1.900 tỷ USD tại Mỹ của ông Biden sẽ tác động đến những quốc gia khác thế nào?

11:07 12/03/2021

Theo kế hoạch, sẽ có 1,4 nghìn tỷ USD phân phối cho hầu hết người Mỹ; 350 tỷ USD cho ngân sách các bang; 130 tỷ USD cho hệ thống giáo dục và phần còn lại phục vụ cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Đây được xem là thành tựu đầu tiên của ông Joe Biden.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế quốc tế (OECD), gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đóng góp thêm 3 điểm phần trăm cho tăng trưởng của quốc gia này trong năm nay. Cũng nhờ khoản tiền khổng lồ trên mà tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng 5,6% trong năm nay, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tỷ lệ này được dự báo là 4% vào năm 2022.

Đối với nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, họ sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay nhờ gói cứu trợ lớn, cao hơn gấp đôi so với dự báo trước đó. Tổ chức OECD đánh giá gói cứu trợ mới của Tổng thống Biden sẽ giúp tăng GDP của Mỹ bình quân 3-4% trong năm đầu tiên cũng như giúp tăng trưởng kinh tế thế giới thêm được 1%.

Hạ viện Mỹ đã thành công trong việc thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD. Ảnh: AFP.
Hạ viện Mỹ đã thành công trong việc thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD. Ảnh: AFP..

Gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được dự đoán sẽ kích thích kinh tế Mỹ tăng trưởng, mang lại hiệu quả tích cực đối với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các đối tác thương mại lớn, bao gồm Hàn Quốc.

Trong khi đó, theo đánh giá của Hàn Quốc, việc lĩnh vực xuất khẩu liên tục được cải thiện cùng với hiệu quả của gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ là yếu tố tích cực khiến OECD phải điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc.

Theo dự báo của OECD, nền "kinh tế xứ sở kim chi" đang "lội ngược dòng" từ mức tăng trưởng -1% trong năm 2020 lên mức 3% trong năm 2021, vượt qua quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế như trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này.

Hiện mới chỉ có 4 quốc gia thành viên OECD (gồm Mỹ, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc) được dự báo sẽ phục hồi quy mô kinh tế như thời điểm trước khi xuất hiện đại dịch COVID-19.

Dự báo tăng trưởng của OECD trước và sau gói cứu trợ của Tổng thống Biden
Dự báo tăng trưởng của OECD trước và sau gói cứu trợ của Tổng thống Biden.

Tương tự, nền kinh tế Canada đang có xu hướng bình phục sau “cú sốc” COVID-19. OECD mới đây đã nâng dự báo về tốc độ tăng GDP của Canada trong năm 2021 thêm 1,2% so với dự báo trước, lên 4,7%. OECD ước tính nền kinh tế Canada sẽ tăng trưởng 4% vào năm 2022, cao hơn 2% so với con số đưa ra trước đó.

Giới quan sát cho rằng Canada được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD của Mỹ vì một phần vốn trong gói kích thích này sẽ chảy vào nền kinh tế Canada.

Theo OECD, sự hỗ trợ tài chính mạnh mẽ của Washington sẽ củng cố nhu cầu tại Mỹ và tạo điều kiện để nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi tốt hơn sau đại dịch, với tác động lan tỏa có lợi cho các nền kinh tế khác, đặc biệt là Canada và Mexico.

Canada và Mỹ có chung đường biên giới dài nhất thế giới, với lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 2,7 tỷ CAD (2,15 tỷ USD) giao dịch mỗi ngày. Năm 2019, Canada là thị trường nhập khẩu hàng đầu đối với 20 bang của Mỹ. Canada cũng là khách hàng lớn nhất của Mỹ và mua nhiều hàng hóa từ Mỹ hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản và Vương quốc Anh cộng lại.

Trong bối cảnh này, người tiêu dùng Canada được dự báo sẽ tăng chi tiêu sau một năm tiết kiệm và thắt lưng buộc bụng. TransUnion -cơ quan báo cáo tín dụng tiêu dùng cho biết, quý IV/2020 đã chứng kiến hoạt động tín dụng tiêu dùng gia tăng ở Canada. 

Theo Hiệp hội Bất động sản Canada, hoạt động bán nhà ở nước này trong tháng 1/2021 đã tăng 35,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá nhà tăng 13,5%. Một phép thử về khả năng thanh toán của người tiêu dùng Canada sẽ đến khi một số chương trình cứu trợ của chính phủ giảm dần.

Đáng tiếc là trong số những nền kinh tế lớn, Pháp và Italy là 2 quốc gia không được hưởng lợi nhiều từ gói cứu trợ của Mỹ khi GDP vẫn chỉ tăng trưởng tương ứng 5,9% và 4,1%, không thay đổi gì so với dự báo trước đó. Hai nước này cũng là quốc gia triển khai tiêm vaccine chậm nhất tại châu Âu.

Theo OECD, nền kinh tế toàn cầu vào giữa năm 2021 sẽ vượt mức trước khi đại dịch diễn ra nhờ chiến dịch tiêm chủng cũng như các gói cứu trợ lớn như của Mỹ. Chi phí lãi vay và giá dầu tại Mỹ đã xuống như thời trước đại dịch trong những tuần gần đây và gửi tín hiệu tốt đến thị trường toàn cầu.

Như một hệ quả tất yếu, lạm phát tăng trở lại sẽ khiến các ngân hàng trung ương giảm những khoản hỗ trợ cũng như nới lỏng chính sách kích thích kinh tế khi tình hình ổn định trở lại.

Theo tờ Financial Times, tổng giá trị chương trình cứu trợ của Tổng thống Biden tương đương với 8,5% tổng thu nhập của cả nước và sẽ tác động mạnh đến kinh tế của nhiều quốc gia. Các chuyên gia cho rằng những láng giềng như Mexico là nền kinh tế được hưởng lợi trước tiên do giao thương nhiều với Mỹ. Tiếp đó, những nền kinh tế xuất khẩu nhiều tại Đông Á sẽ thu lợi lớn khi khách hàng chủ chốt như Mỹ hồi phục nhanh nhu cầu trở lại.

Đối với những nền kinh tế lớn, việc Mỹ tung gói cứu trợ khổng lồ cũng là một tin tốt khi chúng gia tăng cơ hội nhận được đầu tư từ nước ngoài cũng như các hợp đồng mới.

Tờ Economist cho biết với khoản cứu trợ 1.900 tỷ USD mới này, Mỹ đã chi tổng cộng 6 nghìn tỷ USD kể từ khi Đại dịch Covid-19 diễn ra và đây là giai đoạn chi nhiều tiền chưa từng thấy của nước này kể từ khủng hoảng 2008.

Mỹ sẽ đổ đến 2,5 nghìn tỷ USD vào hệ thống ngân hàng với lãi suất cơ bản hiện nay gần như bằng 0%.

Trên thực tế, nền kinh tế Mỹ thời gian gần đây đã có những dấu hiệu tích cực khi doanh số bán lẻ tháng 1/2021 cao hơn 7,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ các khoản cứu trợ của chính phủ. Việc người dân không chi tiêu đã khiến họ tích lũy tới 1,6 nghìn tỷ USD trong năm vừa qua và đây là mỏ vàng lớn cho các doanh nghiệp.

Theo Economist, nếu chương trình tiêm chủng của Mỹ tiến hành thuận lợi và không có biến cố gì diễn ra, khoản cứu trợ của Tổng thống Biden sẽ giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống dưới 5% vào cuối năm nay.

Tuy nhiên gói cứu trợ của Tổng thống Biden cũng đem lại những thách thức không hề nhỏ. Đổ thêm tiền vào nền kinh tế kích thích nhu cầu sẽ thúc đẩy lạm phát và làm gia tăng lãi suất trở lại. Đây là một tin xấu với những doanh nghiệp hay nền kinh tế vay nợ quá nhiều như Nhật Bản hay Trung Quốc. Thậm chí Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cũng đã tỏ ra lo ngại chi phí vay nợ gia tăng sẽ làm giảm hiệu quả của các gói kích thích kinh tế trong khu vực này.

Những nước nghèo cũng sẽ gặp tổn thất khi họ phải vay nợ rất nhiều trong mùa dịch. Lãi suất tăng sẽ khiến họ gặp khó trong việc chi trả. Hơn nữa việc nền kinh tế hồi phục mạnh, ngân hàng nâng lãi suất sẽ khiến đồng USD tăng giá và làm tổng giá trị khoản nợ cao hơn so với ban đầu đối với những nước vay bằng ngoại tệ.

Bởi vậy, OECD cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên vội vàng thắt chặt chính sách tiền tệ như tiền lệ đã từng diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo kế hoạch, sẽ có 1,4 nghìn tỷ USD phân phối cho hầu hết người Mỹ; 350 tỷ USD cho ngân sách các bang; 130 tỷ USD cho hệ thống giáo dục và phần còn lại phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Lượng tiền này được kỳ vọng góp phần vực dậy kinh tế Mỹ, lấp lỗ hổng cho 9,5 triệu việc làm. Đây là gói cứu trợ lớn thứ 2 trong lịch sử xứ cờ hoa, và nó được xem là thành tựu đầu tiên của ông Joe Biden.

Lyly