Gói hỗ trợ lãi suất 2% của chính phủ tạo động lực cho nhóm ngành dịch vụ, sản xuất

15:14 30/05/2022

Ngày 20/5, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh lên đến 2%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp kế hoạch hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại, đảm bảo trong phạm vi tổng mức 40.000 tỷ đồng và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính kiểm duyệt để hỗ trợ chủ yếu cho các nhóm ngành dịch vụ, sản xuất.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nghị định 31 (nguồn: Bộ Công thương)
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai nghị định 31 (nguồn: Bộ Công thương).

Cụ thể, theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Nghị định này quy định về việc hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ.

Trong đó, các ngành được hỗ trợ vốn vay sẽ bao gồm: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; trong đó có hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế nói trên nhưng không bao gồm hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố cũng sẽ được hỗ trợ lãi suất.

Có thể thấy, nghị định tập trung hỗ trợ lãi suất cho các nhóm ngành dịch vụ, sản xuất đã và đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, và cần sự hỗ trợ về chính sách tài khóa để phát triển lại. Các ngành tài chính, bất động sản vốn hút nhiều vốn của thị trường và phát triển mạnh mới đây đã chậm lại khi chính phủ gia tăng kiểm soát trong lĩnh vực vốn, đặc biệt là khối trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản. Đây là điều cần thiết cho một nền kinh tế khỏe mạnh, và sẽ có lợi về dài hạn, đặc biệt là thị trường vốn như thị trường chứng khoán. VN-index đã trải qua 6 tuần giảm điểm liên tục từ đầu tháng 4, đợt giảm mạnh nhất từ năm 2020 do các áp lực tăng lãi suất từ FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới, và đang trong quá trình phục hồi 3 tuần nay. Nghị định 31 có thể nói là một cú hích cho thị trường chứng khoán đến rất kịp thời.

Các ngành dịch vụ, sản xuất được hưởng ưu đãi kép đồng thời từ việc phục hồi sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế ổn định sau dịch bệnh và gói hỗ trợ lãi suất 2% mới ban hành hỗ trợ về mặt vốn sẽ là động lực chính trong thời gian tới để dẫn dắt nền kinh tế, gia tăng lợi nhuận và từ đó tác động tích cực lên thị trường chứng khoán.

Ngoài các nhóm ngành dịch vụ, sản xuất, nhóm ngân hàng – chiếm tỉ trọng chủ yếu trong nhóm VN30 cũng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này khi có thể mở rộng quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh thu nhập lãi thuần. Thời gian qua, nhóm các ngân hàng quốc doanh đã đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh. Các ngân hàng hiện tại cũng đang đồng loạt đề nghị ngân hàng Nhà nước xem xét nới “room” tín dụng để triển khai gói hỗ trợ, giữ vững vị thế cung cấp thanh khoản kích thích tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Dũng