Góc nhìn về giữ chân nhân tài trong bối cảnh khủng hoảng lao động hậu Covid-19

10:47 05/10/2022

Có thể nói, thế hệ nhân tài trẻ tuổi hiện nay luôn có những ý tưởng độc đáo, đầy nhiệt huyết và khát khao chinh phục. Chiến lược thu hút và giữ chân người tài đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh "khát" nhân lực giỏi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Báo cáo của Microsoft cho thấy, phần lớn nhân viên thuộc thế hệ gen Z sẵn sàng nghỉ việc nếu công ty không đáp ứng các nhu cầu của họ. Những người lao động trẻ đang tìm kiếm cơ hội phát triển trong công ty và mong muốn được tự do khởi nghiệp sau giờ làm việc.

Microsoft vừa công bố kết quả khảo sát mới với sự tham gia của 20.000 nhân viên từ 11 quốc gia. Theo đó, 73% Gen Z và Gen Y (những người trong độ tuổi từ 18 đến 41) cho biết, họ sẽ gắn bó lâu dài với công ty nếu cơ hội thăng tiến trở nên dễ dàng hơn. Người lao động trẻ tuổi cũng có nhiều khả năng ở lại nếu công ty cho phép họ linh hoạt theo đuổi “công việc phụ” hoặc kinh doanh để có thêm thu nhập.

Colette Stallbaumer, Tổng Giám đốc Microsoft 365, cho biết, COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng lao động khi nhân viên ồ ạt nghỉ việc để tìm đến những nơi trả lương cao hơn hoặc những nơi mà họ cho rằng có thể phát triển tốt hơn. Các công ty đang phải cố gắng hết sưc để níu kéo nhân sự của mình. 

“Tình hình đang ổn định hơn một chút, nhưng thị trường lao động vẫn thực sự eo hẹp”, bà Stallbaumer nhận định.

Cuộc khảo sát của Microsoft cho thấy, 55% người được hỏi thay đổi công ty vì họ tin rằng đó là “cách tốt nhất” để phát triển kỹ năng cho bản thân. “Các tổ chức và lãnh đạo doanh nghiệp cần suy nghĩ về việc đào tạo kiến thức và kỹ năng như một đòn bẩy duy trì sự hứng khởi cho nhân viên. Bởi khi được học hỏi và phát triển, họ sẽ ở lại”, bà Stallbaumer cho biết.

Cứ ba người thì sẽ có hai người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẽ ở lại công ty nếu được chuyển sang một vị trí khác mà họ có thể học hỏi những kỹ năng mới.

Báo cáo của Microsoft cho thấy, nhiều lao động khao khát được tự làm chủ công việc kinh doanh của bản thân - 76% nhân viên thuộc Gen Z và Gen Y coi đó là mục tiêu, trong khi 63% những người thuộc thế hệ X đưa ra lựa chọn tương tự.

Có thể nói, thế hệ nhân tài trẻ tuổi hiện nay luôn có những ý tưởng độc đáo, đầy nhiệt huyết và khát khao chinh phục, nhưng chính những tính cách này cũng tạo cho họ một xu hướng muốn được tự do bay nhảy, không muốn gắn kết cố định với bất kì một nơi nào. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho các nhà lãnh đạo trong việc đưa ra những chiến lược mới giúp gắn kết và giữ chân nhân tài:

Xác định yếu tố chiến lược thúc đẩy sự gắn kết của nhân viên với công ty

Mỗi công ty có một chiến lược gắn kết và giữ chân nhân tài khác nhau. Vì vậy, bạn phải hiểu thật rõ công ty bạn hoạt động như thế nào, yếu tố nào đóng vai trò quan trọng giúp gia tăng sự gắn kết của nhân viên và làm sao để tận dụng yếu tố đó một cách hiệu quả nhất?

Đầu tiên, bạn phải xác định được mức độ gắn kết hiện tại của nhân viên với công ty. Một hệ thống tự động theo dõi mức độ gắn kết của nhân viên với công ty là một lựa chọn hiệu quả. Nó sẽ cho bạn biết mức độ gắn kết của nhân viên với công ty và chỉ ra cho bạn đâu là yếu tố quan trọng góp phần quyết định mức độ này.

Một khi bạn đã biết được đâu là yếu tố quan trọng giúp nhân viên gắn kết với công ty hơn, bạn sẽ có được phương hướng để xây dựng chiến lược giữ chân họ.

Quản lý nhân tài không phải chỉ là việc của riêng bộ phận nhân sự

Ban lãnh đạo đóng một vai trò vô cùng quan trọng đến mức độ gắn kết và gắn bó của nhân viên với công ty. Bởi họ là những người trực tiếp làm việc với nhân viên mỗi ngày. Họ đề ra những quy định, thiết lập các chiến lược, và họ có một ảnh hưởng rất lớn quyết định đến việc nhân viên chọn ở lại hay ra đi.

Vì vậy, để thực hiện tốt chiến lược giữ chân nhân tài, bạn phải theo sát các cấp lãnh đạo và đảm bảo họ luôn có những hoạt động gắn kết nhân viên với tổ chức.

Cam kết rõ ràng

Những nơi làm việc thật sự gắn kết với nhân viên là những nơi luôn đề ra một cam kết rõ ràng với nhân viên của họ trong việc hỗ trợ, công nhận và giúp nhân viên phát triển. Chính cam kết này sẽ thúc đẩy mong muốn gắn bó lâu dài với công ty.

Luôn luôn tham khảo ý kiến nhân viên, khuyến khích họ trình bày quan điểm của mình và phải thật sự lắng nghe những gì họ nói. Họ sẽ rất cảm kích vì họ cảm thấy được tôn trọng và được đánh giá cao. Chẳng có lý do gì khiến họ phải rời bỏ một nơi xem trọng họ như vậy.

Tóm lại, để thực sự hiểu làm thế nào để giữ chân nhân viên của mình, nhà quản lý phải bắt đầu từ việc hiểu rõ điều gì khiến họ gắn kết với công ty. Điều gì khiến họ chọn bạn, làm việc với bạn, cống hiến cho bạn và trở thành một phần của công ty?

T.H