Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp Việt đang phải đối đầu với khủng hoảng kép khi nhập khẩu và xuất khẩu đều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Dự báo các doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử chỉ còn đủ linh kiện phục vụ sản xuất đến giữa hoặc cuối tháng 3/2020.

Nếu sau tháng 3 vẫn thiếu nguyên liệu thì nhiều đơn vị sẽ phải tạm đóng cửa và người lao động sẽ mất việc do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi đó xuất khẩu thì lại phụ thuộc chủ yếu vào thị trường EU và Mỹ, các thị trường này cũng đang thắt chặt do đối phó với dịch. Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) thì diễn biến mới của COVID-19 đang lây lo ngại trên toàn thế giới.

Hiện 3 thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm khoảng 1/3 giá trị xuất khẩu và 2/3 giá trị nhập khẩu của Việt Nam năm 2019, tương đương 81,5 tỉ USD giá trị xuất khẩu và 141,91 tỉ USD giá trị nhập khẩu. Nếu COVID-19 được kiểm soát trong 3 tháng, dịch sẽ làm GDP Việt Nam giảm nhiều nhất 1,05% còn nếu ở kịch bản tiêu cực là COVID-19 được kiểm soát trong 6 tháng sẽ làm GDP giảm nhiều nhất 1,15%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - ông Trương Văn Cẩm cho biết, hiện ngành dệt may Việt Nam đang phải nhập khoảng 70% nguyên, phụ liệu từ Trung Quốc. Nếu dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh của ngành dệt may, da giày vì hiện phần lớn các doanh nghiệp ngành này chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3.2020 hoặc đầu tháng 4.2020. Nhiều khả năng sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất do thiếu nguyên phụ liệu.

Đại diện Tổng Công ty may 10, bà Trần Quý Dân cho biết, hiện đơn vị đã đưa ra nhiều phương án, quan trọng nhất là cập nhật thông tin về hàng hoá, nguyên phụ liệu để lên kế hoạch và kiểm soát thị trường. Còn đại diện Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cho rằng, ngành này đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Trong trường hợp các nhà máy tại Trung Quốc chậm cung cấp nguyên, phụ liệu sẽ khiến các công ty da giày vỡ kế hoạch sản xuất, không đáp ứng được tiến độ giao hàng.

Để ứng phó với tình huống xấu nhất, một số doanh nghiệp dệt may, giày dép đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như: Mỹ, Anh, Đức, Argentina, Hàn Quốc và Ấn Độ... để bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất. Khó khăn lớn nhất hiện nay là trên 90% doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khoanh nợ, giãn nợ, giảm tiền điện, nước, phí cầu đường, cảng biển.

Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ

Nếu dịch COVID-19 kéo dài thì các DN dệt may sẽ khủng hoảng vì thiếu nguyên phụ liệu. 

Ông Trương Văn Cẩm đánh giá, trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài buộc các doanh nghiệp phải bố trí nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, thậm chí phải cho lao động tạm nghỉ việc… Theo quy định hiện nay nếu cho người lao động tạm nghỉ việc thì phải lương chờ việc tối thiểu bằng mức lương tối thiểu vùng. Nếu trong thời gian ngắn thì doanh nghiệp chịu được nhưng nếu dịch COVID-19 kéo dài thì Nhà nước cần có sự hỗ trợ cho doanh nghiệp trích từ quỹ phòng chống thiên ta, dịch bệnh hay quỹ phòng chống thiên tai.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ đã có chỉ đạo các Vụ Thị trường ngoài nước, các cục, vụ có liên quan trong Bộ cũng như hệ thống các Thương vụ và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng tìm kiếm các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu nước ngoài để thông tin cho các ngành sản xuất trong nước sớm có sự kết nối, thực hiện kế hoạch cung ứng phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo để nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia nhằm tìm kiếm các thị trường mới, trong đó có các thị trường nhập khẩu nguyên liệu thay thế cho nguyên liệu đang phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khuyến khích các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nguồn cung gián đoạn tăng cường tìm kiếm, kết nối với các DN sản xuất nguyên liệu ngay trong nước. Về các giải pháp mang tính dài hạn, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, đối với ngành Công Thương, cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thị trường nhập khẩu và phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ để giảm dần phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Cũng theo tư lệnh ngành công thương, chúng ta cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án công nghiệp quy mô lớn; tập trung xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, đóng vai trò động lực cho tăng trưởng, nhất là dự án năng lượng.

Bên cạnh đó, cần chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp FDI để đánh giá hoạt động sản xuất, xuất khẩu; đề xuất các giải pháp với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu; khai thông dòng lưu chuyển hàng hóa; chủ động nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu, góp phần đảm bảo tăng trưởng theo mục tiêu đã được giao.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ảnh hưởng từ virus COVID-19 tác động lớn đến Việt Nam từ nhiều chiều, không chỉ câu chuyện nguyên vật liệu. Nhiều ngành sản xuất gia công xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp trong những tháng tới đây. Nhưng nếu các doanh nghiệp Việt nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn sản xuất toàn cầu tại Việt Nam là cơ hội lớn, biến vị thế từ chỗ đi mua linh kiện, nguyên liệu thành nơi cung cấp linh kiện, nguyên liệu cho thế giới.

Cũng theo ông Thịnh, chúng ta phải giúp doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu ở các nguồn khác như các nước đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, không nên nhất thiết và cứng nhắc khi chọn một bạn hàng quen thuộc; phải mở rộng thị trường, tìm hiểu thêm, liên kết với họ để tìm nguồn hàng thay thế.

Anh Khôi