Gỡ bỏ rào cản để phát triển năng lượng tái tạo

08:49 31/10/2020

Năng lượng tái tạo - yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững nền kinh tế nói riêng. Tại Việt Nam, dư địa phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) còn rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc khai thác năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi.

Tiềm năng lớn từ năng lượng tái tạo                                                                                                                        

Ông Đỗ Đức Quân – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, với nguồn NLTT phân bố trải dài đất nước, Việt Nam được xem là quốc gia có lợi thế lớn để phát triển hầu hết các loại hình NLTT, với tiềm năng đáng kể phục vụ phát điện. Số liệu nghiên cứu cho thấy tiềm năng kỹ thuật điện gió trên bờ là khoảng 217 GW ở độ cao khoảng 80m, điện gió xa bờ khoảng 160 GW, điện mặt trời mặt đất khoảng 309 GW, mặt nước khoảng 77 GW và áp mái khoảng 48 GW.

Bên cạnh các nguồn điện gió và mặt trời, tổng tiềm năng các nguồn điện NLTT khác có thể khai thác để phát điện lên tới khoảng gần 20.000 MW, gồm có điện rác, điện sinh khối, điện thủy triều….

Với tiềm năng to lớn cho phát triển NLTT, nên vài năm trở lại đây việc đầu tư phát triển các dự án NLTT đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước đã có 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án điện mặt trời với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch. Ngoài ra còn có 312 dự án điện gió với tổng công suất 78.035 MW và 331 dự án điện mặt trời với công suất 336.581 MW đang được các địa phương đề xuất phát triển….

Khởi công nhà máy điện gió hơn 5.000 tỷ đồng tại Sóc Trăng

Theo số liệu của Bộ Công thương, hiện cả nước đã có 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW

Nhiều rào cản hạn chế phát triển năng lượng tái tạo

Trong một hội thảo gần đây về vấn đề phát triển năng lượng tái tạo, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng nổ, bức tranh năng lượng tái tạo cho thấy có nhiều tiềm năng. Thông lệ cho thấy, nhu cầu điện tăng trưởng gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng của nền kinh tế. Như vậy, mỗi năm Việt Nam cần mức tăng trưởng năng lượng khoảng 10%.

Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, thách thức, khó khăn hiện nay là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, quy hoạch điện 8 chuẩn bị ban hành nhưng thực tế cho thấy đã khá chậm.

Luật về PPP cũng mới được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2021. Đây có thể là nền tảng quan trọng đẩy nhanh phát triển năng lượng tái tạo. Cơ chế chính sách ban hành chậm, thời gian kéo dài ngắn - chỉ 1-2 năm không đủ để doanh nghiệp xoay xở. Thiết nghĩ cần có chính sách cho từng loại năng lượng tái tạo khác nhau, phân ra các loại như năng lượng tái tạo mặt trời, năng lượng tái tạo gió onshore, năng lượng tái tạo offshore…”, ông Lực nói.

Cũng theo ông Lực, hiện tượng chạy dự án xuất hiện gần đây cũng gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.

“Gần đây chúng tôi có nghe phản ảnh 1 số dự án có hiện tượng lách luật. Ví như: thời hạn giá điện chốt hết năm nay, một số doanh nghiệp bố trí dự án, chạy cấp phép trước thời điểm hiện hạn. Hay theo quy định, dự án 1.000MW do địa phương quyết định nên một số doanh nghiệp chia nhỏ dự án để đơn giản hóa khâu cấp phép”, TS Lực nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đầu tư phát triển các dự án NLTT hiện đang gặp không ít rào cản. Trước hết, cơ chế mua bán điện hiện nay vẫn là cơ chế độc quyền do chưa vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cùng với đó, Luật Điện lực quy định độc quyền nhà nước về truyền tải điện làm hạn chế xã hội hoá đầu tư vào lĩnh vực này….

Bên cạnh đó, các quyết định về mức giá mua điện có thời hạn, hiệu lực quá ngắn chỉ trong khoảng 2 năm, nên các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tính toán hiệu quả đầu tư khi lập dự án…

Ngoài ra, về nguồn vốn, theo ông Hồ Tá Tín – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE, nguồn vốn cho các dự án NLTT hiện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại chưa có định hướng cụ thể về cho vay phát triển NLTT mà chủ yếu thực hiện thông qua tín dụng xanh.

“Các nhà đầu tư phát triển NLTT gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước, do các ngân hàng bị khống chế tỷ lệ cho vay trung và dài hạn và lãi suất cho vay cao (từ 10%/năm trở lên). Bên cạnh đó, việc các ngân hàng yêu cầu tỷ lệ vốn tự có cao (từ 30 – 40%) đã gây nhiều khó khăn cho việc thu xếp tài chính cho dự án. Trong khi đó, việc vay vốn từ ngân hàng nước ngoài có lãi suất thấp hơn (khoảng 4 – 5%/năm), nhưng nhà đầu tư trong nước khó tiếp cận được do yêu cầu phải có bảo lãnh của Chính phủ…” – ông Tín chia sẻ.

Tăng cường cơ chế khuyến khích phát triển NLTT

Ông Đỗ Đức Quân cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng NLTT của đất nước, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam giai đoạn đến 2030, có xét tới năm 2050 và gần đây là Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được ban hành. Theo đó đặt mục tiêu, tỷ lệ nguồn NLTT vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30% và 43% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

Với vấn đề vốn, ông Lực cho rằng nguồn vốn để phát triển năng lượng tái tạo vẫn là từ tín dụng, còn vốn tự có quá nhỏ. TS Cấn Văn Lực đề xuất quy hoạch điện 8 cần được thông qua, ban hành sớm. Để giải bài toán vốn cho các dự án năng lượng tái tạo cần đa dạng hóa nguồn vốn phát triển năng lượng tái tạo bằng cách tranh thủ nguồn vốn xã hội hóa vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong đó đặc biệt xem xét thúc đẩy tốc độ hoàn thiện hạ tầng truyền tải điện đồng bộ với quy hoạch phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Cùng với đó là phát triển thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, trong đó có thị trường trái phiếu năng lượng sạch, trái phiếu xanh là loại hình đã được các định chế tài chính quốc tế lớn (WB, IFC, ADB...) thực hiện thành công trong thời gian qua.

Ngoài ra, nghiên cứu ưu tiên một phần nguồn vốn ngân sách nhất định dành cho phát triển năng lượng tái tạo trong một số lĩnh vực cụ thể như phát triển quỹ năng lượng bền vững, đầu tư hạ tầng cơ sở truyền tải điện, đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tái định cư cho người dân tại các vùng dự án. Nâng cao năng lực của Ngân hàng Phát triển trong tài trợ các dự án năng lượng tái tạo.

Cuối cùng, theo ông Lực, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích tín dụng năng lượng tái tạo mạnh mẽ hơn như: giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc tăng cho vay tái cấp vốn cho các TCTD có tỷ lệ dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo cao; điều chỉnh trọng số rủi ro đối với dư nợ tín dụng năng lượng tái tạo xuống thấp hơn tín dụng thương mại khác...; chỉ đạo, định hướng phát triển tín dụng năng lượng tái tạo trong tổng thể phát triển tín dụng xanh ngành ngân hàng.

Bảo Trinh