Giải pháp nào để đạt mục tiêu kép?

00:00 12/10/2020

Dù việc khống chế tốt dịch Covid-19 tạo tiền đề tốt để phục hồi sớm nhưng những hạn chế, thách thức cũng còn rất nhiều, đòi hỏi nhiều chính sách và giải pháp đồng bộ.

Động lực từ thị trường nội địa và đầu tư công

Với quyết tâm tiếp tục kiểm soát không để dịch Covid-19 quay trở lại, đồng thời tập trung phục hồi tăng trưởng kinh tế, tại phiên họp giữa tuần trước dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã nhất trí với kịch bản tăng trưởng GDP 3-4%, lạm phát dưới 4% trong năm nay.

Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV trong báo cáo vĩ mô mới đây, để đạt tăng trưởng 4% trong năm 2020 thì tăng trưởng quý III và quý IV phải đạt mức lần lượt là 5,51% và 5,63%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp cần tăng trưởng lần lượt là 1,9% và 2,4%; công nghiệp và xây dựng tăng lần lượt 8,5% và 7,1%; dịch vụ tăng lần lượt là 4,6% và 5,5%. Đồng thời các địa phương có đóng góp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cần đạt được mức tăng trưởng cao (gấp khoảng 1,3 lần so với bình quân cả nước). TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, ở kịch bản tích cực, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt khoảng 4%. Nhưng ở kịch bản cơ sở (nhiều khả năng xảy ra nhất), tăng trưởng có thể chỉ khoảng 3%. Thậm chí với kịch bản tiêu cực, tăng trưởng chỉ khoảng 1,5%. “Dù kịch bản nào xảy ra, tăng trưởng như vậy vẫn là mức thấp so với các năm trước, tuy nhiên cũng là mức tích cực đáng ghi nhận, có thể là cao nhất so với các nước trong ASEAN và châu Á”, TS. Lực cho biết.

Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng

Chuyên gia này cho rằng, các động lực tăng trưởng chính trong 6 tháng cuối năm là lĩnh vực nông nghiệp (vẫn là cứu cánh quan trọng); công nghiệp và xây dựng với dự báo sẽ phục hồi tốt hơn trong quý III và nhất là quý IV. Trong khi đó ở mảng dịch vụ, dù 6 tháng đầu năm không tốt vì ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19 nhưng kỳ vọng 6 tháng cuối năm, cùng với đà kiểm soát dịch bệnh tốt trong nước và kiểm soát tốt hơn ở bên ngoài thì ngành này sẽ phục hồi tốt hơn.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ dựa vào hai động lực chính là sự phục hồi tốt của thị trường nội địa và giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. “Thị trường nội địa sẽ tiếp tục hồi phục nhanh nếu tiếp tục kiểm soát dịch bệnh tốt, không để xảy ra làn sóng Covid-19 thứ 2 tại Việt Nam. Bên cạnh đó, giải ngân 700 nghìn tỷ đồng đầu tư công nếu thực sự làm được sẽ tác động rất mạnh đến phục hồi tăng trưởng”, chuyên gia này nhận định. Ngoài ra, ông Cường cho rằng, xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ khó phục hồi mạnh vì nhu cầu bên ngoài vẫn đang yếu. Trong khi đó, vốn FDI đã có xu hướng giảm và trong trường hợp FDI duy trì được ở mức độ như hiện nay thì đóng góp của FDI cho tăng trưởng cũng chỉ rõ nét từ năm 2021.

Hành động nhanh và quyết liệt

Do đó theo ông Cường, các giải pháp thời gian tới cần tập trung vào thúc đẩy các động lực này. Trong đó, để thúc đẩy thị trường nội địa, một mặt với những chính sách hỗ trợ cho người dân, DN đã có sẵn (gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ giãn thuế 180 nghìn tỷ đồng) cần thực hiện nhanh và điều kiện áp dụng cần linh hoạt hơn để đảm bảo hiệu quả, gói giảm thuế thu nhập DN 30% cũng cần nhanh chóng có các hướng dẫn thực hiện cụ thể. Bên cạnh đó, cần triển khai thêm các chính sách khác nữa, ví dụ cần tiếp tục có những hình thức hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đặc biệt những người yếu thế để họ tăng chi tiêu, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tiếp thị, quảng bá, triển khai chương trình giảm giá, phát triển mạnh các kênh kỹ thuật số, thương mại điện tử… để thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt là chi tiêu cho du lịch trong nước.

Với đầu tư công, cần coi giải ngân đầu tư công trong năm nay là giải pháp chính. Đây là giải pháp “đa tác dụng”, vì nếu được triển khai hiệu quả sẽ tạo ra các tác động đa chiều, từ công ăn việc làm, tăng thanh khoản cho nền kinh tế, đến tạo ra cơ sở hạ tầng tốt hơn cho trung và dài hạn… Chính vì vậy, chuyên gia này đánh giá rất cao những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gần đây đối với vấn đề quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vừa là giải pháp quan trọng bù đắp cho thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020, vừa là động lực cho tăng trưởng dài hạn. “Nếu giải ngân hết lượng vốn đầu tư công theo kế hoạch là 700.000 tỷ đồng thì sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,3 điểm %. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cần kiên quyết đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bố trí kịp thời nguồn vốn đối ứng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA…”, TS. Lực nói.

Cùng với đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa và tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ, TS. Lực cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản tới các thị trường còn nhiều dư địa sau đại dịch như Hoa Kỳ, ASEAN, Hàn Quốc... và nhất là với EU trong bối cảnh Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực.

Ngoài ra, tiếp tục thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển; tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư để thu hút FDI; phát huy thế mạnh của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (hai thành phố hiện đóng góp khoảng 39% GDP cả nước); đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử, thanh toán điện tử; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài cũng là những nội dung mà các chuyên gia khuyến nghị cần tập trung để thúc đẩy tăng trưởng không chỉ trong ngắn hạn.

Đỗ Lê