Giải pháp nào cho sự thiếu hụt lao động sau Tết

12:08 06/02/2022

Hàng năm, sau kỳ nghĩ tết thì các doanh nghiệp đều bị thâm hụt lao động, nhất là các nghành nghề có số lượng lao động trực tiếp như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm... Và năm nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, lượng lao động về quê không trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ tết dự kiến sẽ tăng cao. Vậy, giải pháp nào cho sự thiếu hụt lao động sau tết, đó là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp.

Nhìn tổng thể về  bức tranh lao động của doanh nghiệp trong quí 4-2021 có nhiều mảng tối khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, chất lượng lao động không đồng đều và thu nhập bình quân của người lao động cũng bị sụt giảm. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tính đến phương án phải sớm có cách giải quyết nguồn lao động sau tết, vì đây là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách để ổn định, phục hồi sản xuất.

Do ảnh hưởng của covid 19, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bên cạnh đó thì thông thường những ngày đầu năm tốc độ sản xuất của doanh nghiệp cũng chậm so với cuối năm. Tình trạng này luôn là nỗi lo lắng của nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không có các chính sách hỗ trợ để giữ chân công nhân, lực lượng lao động sẽ tiếp tục hao hụt, trong khi việc tuyển mới  không dễ dàng trong những ngày đầu năm

Doanh nghiệp chuẩn bị gì để lao động quay trở lại làm việc

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX & TM Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết việc đảm bảo lao động sau Tết là vấn đề hóc búa của không ít doanh nghiệp hiện nay. Mọi năm công nhân trở lại nhà xưởng vốn đã không đồng đều về thời gian, nhưng riêng năm nay dự đoán sẽ có nhiều công nhân ở lại quê lâu hơn so với mọi năm do gia đình ở quê có người F0, tâm lý ngại đi tàu xe sợ lây lan dịch bệnh…

“Để giữ chân người lao động, công ty tiếp tục đảm bảo các mức lương, thưởng và tiền thâm niên cho người lao động. Ngoài ra, với những lao động đã gắn bó lâu năm với công ty cũng được ứng trước tiền để tiêu Tết với các mức từ 5 – 10 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp chăm sóc công nhân tốt, chế độ đãi ngộ đầy đủ thì họ sẽ gắn bó với doanh nghiệp và nhà máy, sớm quay trở lại sản xuất”, ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ. 

Ngành may mặc, da giày thường xuyên thiếu lao động sau tết
Ngành may mặc, da giày thường xuyên thiếu lao động sau tết. (Ảnh: PV)

Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 cho biết, theo kế hoạch ngày 8-2 (mùng 8) đơn vị sẽ quay lại sản xuất. Nhưng nhìn chung hiện nay doanh nghiệp trong ngành dệt may đang lo lắng về nguồn lao động sau Tết trong khi đơn hàng xuất khẩu đa số đều có đủ đến giữa năm.

Theo ông Hồng, sau đợt bùng phát dịch bệnh trước đó nguồn lao động cho ngành may tại TPHCM vẫn thiếu gần 10% sau khi một số lao động về quê vẫn chưa trở lại. Dịp Tết cũng thường xảy ra tình trạng tương tự nên các doanh nghiệp lo sau Tết tình trạng này sẽ trầm trọng hơn.

“Năm nay, do lợi nhuận giảm, tình hình kinh doanh chịu tổn thất lớn nên chúng tôi cũng cố gắng chi mức thưởng 1,7 tháng lương cho người lao động. Ngoài ra, công ty còn chăm sóc cho người lao động bằng những phần quà thiết yếu, gia tăng tiền thưởng, quà cho gia đình con cái trước và sau Tết để mong muốn giữ chân họ”, ông Hồng cho biết thêm.

Một doanh nghiệp ngành thực phẩm ở TPHCM cho biết, để giữ công nhân trước tiên là làm cho họ có thu nhập đủ sống, rồi thu nhập ổn định ở mức cao, kế đến là lo đầy đủ chính sách bảo hiểm, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ…

Mặc dù để chuẩn bị cho người lao động quay trở lại sản xuất sau Tết, trước đó nhiều doanh nghiệp đã thực hiện những giải pháp như tăng tiền lương, tiền thưởng, tặng vé xe hay tổ chức chuyến xe đưa đón người lao động về quê ăn Tết, thưởng tiền cho người quay lại làm việc đúng lịch… Tuy nhiên hiện nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn đang lo thiếu hụt lao động do một số ở quê chưa quay trở lại, số người mắc Covid-19 tăng nhanh, thậm chí một số không muốn quay lại TP làm việc mà ở quê để tìm công việc khác.

Nhu cầu lao động sau Tết rất lớn.

Sở Lao động– Thương binh và Xã hội TP HCM dự kiến, sau Tết, TP HCM sẽ cần khoảng 50.000 lao động, tập trung ở các nhóm ngành kinh doanh thương mại, da giày, điện tử cơ khí, điện lạnh, dệt may, chế biến thực phẩm…

Do đó, để chủ động về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán, sở đã chỉ đạo các trung tâm việc làm, cơ quan chuyên ngành nắm lại danh sách người lao động ở các doanh nghiệp về quê ăn Tết; tiếp tục triển khai tiếp sức người lao động trở lại thành phố.

Vì vậy, ngay sau Tết thì Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM và Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên sẽ tổ chức sàn giao dịch việc làm. Qua đó, tạo điều kiện kết nối, giới thiệu người lao động đang ở các địa phương có nhu cầu trở lại thành phố và lực lượng lao động tại chỗ cho các doanh nghiệp để có nguồn lao động ổn định.

Trước Tết Nguyên đán, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, ngân sách nhà nước dành tổng cộng 6.600 tỉ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động (lao động chính thức), đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

Gói hỗ trợ trên hy vọng sẽ phần nào sẽ tạo thêm động lực cho lao động trở lại làm việc. Song, hiện vẫn chưa có hướng dẫn triển khai trong khi việc thực hiện nên chắc chắn sẽ cần nhiều thời gian để đến tay người người lao động, trong khi đối tượng thụ hưởng lên đến cả chục triệu người. Vì vậy, để hỗ trợ lao động kịp thời, giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn nhân lực thì trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chung tay, đồng hành thu hút lao động trở lại TP là rất cần thiết.

Quang Đạo (TH)