Giải pháp hỗ trợ phải công bằng, công khai, công tâm

17:12 31/03/2021

Quý I-2021, tăng trưởng kinh tế đạt 4,48%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp hơn kịch bản điều hành tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế tiếp tục được đặt ra nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) Trần Quốc Phương đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy năm 2020, có tới 87,2% DN được khảo sát bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và đại dịch vẫn tiếp tục “phủ bóng” lên nền kinh tế trong những năm tới. Trong bối cảnh đó, nhóm giải pháp hỗ trợ lần hai có sớm được ban hành để kịp thời tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, phát triển trong năm 2021?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Bộ KH và ĐT chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và đề xuất các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2021.

Triển khai nhiệm vụ, Bộ KH và ĐT đã có văn bản đề nghị đến các bộ liên quan, gồm Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước... đề nghị nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế cùng với cách thức triển khai thực hiện trong lĩnh vực mình phụ trách để từ đó xây dựng chính sách tổng thể chung.

Tuy nhiên, đến nay Bộ KH và ĐT chưa nhận được phản hồi của các bộ, ngành nói trên. Về tiến độ, Bộ KH và ĐT sẽ tiếp tục đôn đốc để các đơn vị liên quan nghiên cứu, phối hợp thực hiện.

Về định hướng chung, chính sách hỗ trợ sẽ được xây dựng trên cơ sở làm rõ các vấn đề: Yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế, có cần hỗ trợ không và hỗ trợ đối tượng nào, triển khai thực hiện ra sao.

Trước hết, cần đánh giá hiệu của các giải pháp đã thực hiện trong năm 2020. Về gói hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ, các giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ của hệ thống ngân hàng được đánh giá là hiệu quả, có tác dụng tạo dòng tiền cho DN có nhu cầu vay vốn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục hồi tốt trong những tháng cuối năm 2020.

Vấn đề đặt ra là năm 2021 cần rà soát dư địa về chính sách tiền tệ, lãi suất không thể giảm sâu nhằm bảo đảm lãi suất thực dương. Việc cơ cấu lại nợ cũng phải tính toán “liều lượng” vì về nguyên tắc, kéo dài giải pháp này đến một thời điểm nào đó sẽ tạo sức ép rất lớn cho xử lý nợ xấu.

Về phía cầu, cũng phải đánh giá nhu cầu vay vốn của DN. Mặc dù nguồn vốn hỗ trợ đã dễ tiếp cận hơn nhưng DN có vay hay không còn phải dựa vào thị trường đầu ra để cân nhắc việc vay nợ ở mức hợp lý, an toàn.

Đối với chính sách tài khóa, Bộ Tài chính đã kiến nghị tiếp tục kéo dài một số chính sách thuế như: Trình Chính phủ ban hành nghị định tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp tục rà soát, giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí từ ngày 1-1 đến 30-6-2021; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không…

Các chính sách khác như: Đề xuất giảm phí công đoàn phải chờ ý kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các giải pháp hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động... Bộ KH và ĐT rất mong sớm nhận được ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

PV: Đối tượng và các giải pháp hỗ trợ có gì thay đổi so với năm trước không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tôi cho rằng cần thống nhất một cách hiểu để tránh hiểu nhầm của xã hội về giải pháp hỗ trợ của nhà nước, đây là tổng hợp các giải pháp, trọng tâm các giải pháp chính sách có thể định lượng được giá trị bằng tiền chứ không phải việc trích tiền ngân sách nhà nước (NSNN) để chuyển cho doanh nghiệp. Việc chi tiêu NSNN phải tuân thủ quy định của Luật NSNN.

Tại thời điểm này cần đánh giá kỹ lưỡng việc tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cá nhân để tính toán hiệu quả tác động của chính sách trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh đang hồi phục trong trạng thái bình thường mới.

Có thể thấy, cùng thời điểm này năm ngoái, cả nước đang lo lắng trong bối cảnh giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 15 của Chính phủ, nhưng năm nay khác rất nhiều vì hoạt động kinh tế vận hành theo trạng thái bình thường mới, một số ngành và lĩnh vực đã phục hồi gần về mức tương đương thời điểm năm 2019. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn còn khó khăn rất lớn, nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải vì thị trường khách du lịch quốc tế chưa thể phục hồi.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ lần này cần hướng tới đối tượng cụ thể là các DN hoạt động trong những ngày chịu tác động trực tiếp và tiêu cực nhất từ dịch Covid-19. Quan điểm của Bộ KH và ĐT về vấn đề này thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Cái khó của giải pháp hỗ trợ là phải bảo đảm “3 C”: Công bằng, công khai và công tâm. Xác định ngành khó khăn nhất thì đã rõ, đó là ngành du lịch bị thiệt hại nhiều nhất do đóng băng nguồn khách quốc tế và cả khách nội địa trong nhiều thời điểm, kéo theo sự sụt giảm của chuỗi ngành liên quan gồm lữ hành, lưu trú, ăn uống, vận tải hàng không.

Trong mỗi ngành, mức độ ảnh hưởng của DN cũng khác nhau tùy thuộc vào quy mô và địa bàn hoạt động. Đơn cử trong ngành hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì thị phần khách quốc tế lớn. Trong khi đó, hãng hàng không khác có thể chịu ảnh hưởng ít hơn do sản lượng khác nội địa chiếm tỷ trọng lớn, và thị trường du lịch trong nước có những thời điểm vẫn phục hồi được.

DN có quy mô càng lớn nhu cầu nguồn lực hỗ trợ càng nhiều, giải pháp hỗ trợ cho các DN này thế nào cần nghiên cứu thêm. Giải pháp chung cho toàn ngành đã được thực hiện từ trước, thông qua chính sách giảm giá, phí dịch vụ cất/hạ cánh, điều chỉnh thuế nhiên liệu bay...

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tạo dòng tiền hỗ trợ DN và cơ chế nào để hỗ trợ DN thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.

Để ra được gói hỗ trợ tổng thể này Bộ KH và ĐT đang đôn đốc các bộ, ngành liên quan để tổng hợp xây dựng gói hỗ trợ báo cáo Chính phủ.

PV: Thưa Thứ trưởng, tăng trưởng GDP quý I tăng 4,48%, thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP nên áp lực cho tăng trưởng ba quý còn lại của năm rất lớn để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,5%. Vậy động lực cho tăng trưởng những tháng tiếp theo là gì?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng quý đầu của năm nay tuy thấp hơn kịch bản điều hành đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, một phần vì lý do khách quan là dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở một số địa phương như Hải Dương và Quảng Ninh... có tác động tương đối lớn đến tăng trưởng chung của cả nước.

Kết quả này đòi hỏi các quý sau phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP mà theo kịch bản điều hành tại Nghị quyết, quý II tăng trưởng 7,11%. Đây là nhiệm vụ rất lớn phải tập trung thực hiện.

Đóng góp lớn nhất trong cơ cấu GDP vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo, nên ngành này vẫn là động lực tăng trưởng chủ yếu. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng tốt của các ngành sản xuất kim loại, đặc biệt là thép… Ngành dịch vụ công nghệ và dịch vụ tài chính cũng tăng trưởng tốt, như ngành bảo hiểm.

Đầu tư công tăng trưởng bằng năm ngoái nhưng giá trị vốn đầu tư công giải ngân quý I-2021 theo kế hoạch là thấp hơn cùng kỳ, tỷ lệ đầu tư công tăng khá nhưng lượng vốn đầu tư vào nền kinh tế ít hơn. Xuất khẩu vẫn là điểm sáng với tỷ lệ xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Nhìn chung, các động lực cho tăng trưởng mang tính đột biến chưa xuất hiện. Đây là điểm đáng chú ý cho công tác điều hành những quý còn lại của năm.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

TÔ HÀ