Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Cần gỡ những "nút thắt" nào?

00:00 12/10/2020

Để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cần kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm...

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt hơn 192.000 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ và ODA đều đạt thấp. 

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Cần gỡ những nút thắt nào? - Ảnh 1.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra. (Ảnh minh họa)

Phải có chế tài xử lý hành vi sách nhiễu, tiêu cực

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu thực tế: Vốn đầu tư công chiếm 10,7% giá trị GDP, 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội (năm 2019). Tuy nhiên, thực tế tình trạng đầu tư công đã diễn ra từ gần chục năm qua tạo "nút thắt cổ chai" đối với nền kinh tế, đặc biệt là năm 2019 giải ngân thấp.

Điều này làm ảnh hưởng tới tăng trưởng, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà tài trợ, gây lãng phí lớn và tăng chi phí, tăng nợ nần.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành khắc phục căn bệnh “trầm kha” này, Thủ tướng lưu ý, cùng với đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư công thì phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, nhất là chống nhũng nhiễu, tiêu cực, ăn bớt vật vật liệu trong quá trình triển khai, tránh tình trạng làm dối, làm hỏng, ăn cắp định mức, rút ruột công trình...

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công vẫn là một "điểm mờ" trong bức tranh sáng của nền kinh tế.

Năm 2019, Thủ tướng giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương trên 390.000 tỉ đồng (bằng 92,16% dự toán mà Quốc hội phê chuẩn). Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch hơn 33.000 tỉ đồng, chủ yếu là do chưa có danh mục dự án, dự án chưa đủ thủ tục; một số bộ, ngành, địa phương xin giảm kế hoạch, lúng túng trong công tác điều chỉnh...

Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Cần gỡ những nút thắt nào? - Ảnh 2.

Các dự án hạ tầng giao thông đạt tiến độ giải ngân rất chậm. (Ảnh minh họa: KT)

Bộ trưởng Dũng cho rằng, để giải quyết vấn đề phân bổ và giải ngân chậm, cần phải xây dựng giải pháp tổng thể, đồng bộ từ thể chế, pháp luật đến công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, thực hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và phải có chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sách nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm, cố tình làm chậm tiến độ phân bổ và giải ngân.


Kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, cần kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả, triển khai chậm, hay thậm chí chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định để tập trung vốn cho các dự án đầu tư có hiệu quả cao, triển khai đúng tiến độ, làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh đó, có thể cho phép những dự án đầu tư tốt được đầu tư vượt tiến độ kế hoạch để sớm đưa vào khai thác.

Ngoài ra, TS. Vũ Đình Ánh nêu rõ, cần tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những chủ đầu tư dự án tốt đẩy nhanh tiến độ thực hiện đi đôi với giải ngân vốn kịp thời theo đúng tiến độ, giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Vấn đề quyết định tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đó là lựa chọn đúng những dự án tốt, hướng nguồn vốn đầu tư công vào các dự án này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời đảm bảo tốc độ giải ngân vốn phù hợp với tiến độ thực của mỗi dự án.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo phân tích của PGS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm từ 5 - 7 đồng vốn trong xã hội. Do đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ đóng băng nguồn vốn khác, điều đó đương nhiên ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ cần rà soát lại danh mục các dự án, chọn ra những dự án cấp bách để tập trung nguồn vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện trước. Đồng thời, cần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, PGS.TS. Hoàng Văn Cường kiến nghị.

PGS.TS. Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần điều hành quyết liệt hơn để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, không để tình trạng có tiền mà không tiêu được./.

Theo Trần Ngọc