Giá xăng dầu dự đoán tăng sau nghỉ lễ

13:32 03/05/2022

Căn cứ vào giá xăng dầu thế giới, nhiều khả năng trong kỳ điều hành ngày 4/5, giá xăng, dầu có thể được điều chỉnh tăng từ 100 – 500 đồng/lít.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Do kỳ điều hành xăng dầu mới đúng vào kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nên giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh vào ngày 4-5. Dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh này tiếp tục tăng.

Thị trường xăng dầu thế giới trong những ngày qua có sự tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng nên dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động. Theo tính toán và dự báo của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành tới có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, mức tăng còn phụ thuộc vào việc cơ quan điều hành sử dụng Quỹ bình ổn giá. Bên cạnh đó, do phải lùi lại khá lâu, trong khi giá xăng dầu thế giới biến động liên tục nên mức tăng cụ thể sẽ khó dự báo.

Cập nhật dữ liệu của Bộ Công Thương đến ngày 28/4 cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore đã tăng khoảng 5% so với trước ngày 21/4. Cụ thể, giá xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5RON92) có giá bình quân 127,67 USD/thùng; xăng RON95 có giá bình quân 131,96 USD/thùng, điều này sẽ tác động đến giá xăng dầu trong nước.

Với diễn biến mới của thị trường xăng dầu thế giới, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định, trong kỳ điều hành ngày 4/5, giá xăng trong nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng so vời kỳ trước, mức tăng có thể dao động ở mức 300 – 500 đồng/lít tùy theo mức chi sử dụng Quỹ BOG của cơ quan điều hành.

Cùng với đó, giá dầu các loại cũng có thể tăng từ 200 – 300 đồng/lít nếu không chi Quỹ BOG, trường hợp được chi Quỹ BOG, giá dầu sẽ tăng ít hơn, trong khoảng 100 – 200 đồng/lít.

Nếu giá xăng dầu được điều chỉnh theo đúng nhận định, đây sẽ là lần đầu tiên trong tháng 5 giá xăng dầu tăng giá và cũng là lần tăng giá thứ 2 liên tiếp từ cuối tháng 4. Ngày 21/4, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng 660 đồng/lít lên 27.130 đồng/lít; xăng RON95 tăng 680 đồng/lít lên 27.990 đồng/lít. Giá bán các mặt hàng dầu cũng tăng và dầu diêzl hiện được bán với giá 25.359 đồng/lít; dầu hỏa 23.828 đồng/lít và dầu mazut là 21.800 đồng/kg.

Tại cuộc họp báo chính phủ ngày 29/4 vừa qua, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong mọi trường hợp Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối luôn nỗ lực ở mức cao nhất để đảm bảo đủ nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Về việc cung ứng xăng dầu cho Quý III và Quý IV/2022, Bộ Công Thương đã làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trên cơ sở cam kết của PVN về lượng xăng dầu cung ứng, nếu thiếu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt của PVN cung cấp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nêu rõ, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã sử dụng linh hoạt và hữu hiệu công cụ Quỹ BOG trước sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Ở kỳ điều hành ngày 21/4, giá xăng dầu thế giới biến động tăng 36,53 - 60,14%, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ tăng 17,16 - 39,04% tùy từng mặt hàng nhờ sử dụng Quỹ BOG.

Cùng với đó, sau khi áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/4, giá xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít; Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít; Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg; Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít. 

Trả lời một số vấn đề liên quan đến việc "hạ nhiệt" giá xăng dầu, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 30-4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Trong thời gian gần đây, vấn đề năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng có sự xáo trộn lớn do tình hình địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp, khó lường.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Liên bộ Công Thương - Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát có thể giảm thêm các loại thuế, phí phù hợp với tình hình thực tế, có tính đến việc chống thẩm lậu xăng dầu sang địa bàn các nước có chung biên giới với Việt Nam; cũng như bảo đảm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

PV (t/h)