Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh trong năm 2020

17:09 22/12/2020

Việt Nam đã trở thành quốc gia có giá trị thương hiệu phát triển nhanh nhất, với giá trị tăng vọt 29% lên 319 tỷ USD trong bảng xếp hạng toàn cầu mới nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Nước ta đã tăng 9 bậc so với năm ngoái lên vị trí thứ 33 trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Brand Finance, một công ty tư vấn của Anh.

Brand Finance đo lường giá trị của thương hiệu quốc gia dựa trên ba trụ cột: hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và xã hội.

Mọi quốc gia đều hướng tới mục tiêu gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm của họ thông qua hình ảnh thương hiệu của quốc gia. Một số quốc gia sử dụng các chiến dịch quảng cáo du lịch, một số quốc gia khác lại dựa vào chiến dịch FDI hay các sự kiện toàn cầu như Thế vận hội. Thông thường, thương hiệu quốc gia thường phát huy được tốt nhất lợi thế trong bối cảnh thu hút khách quốc tế, xuất khẩu tại chỗ.

Trên thị trường quốc tế, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn sản phẩm từ các quốc gia khác nhau. Họ đòi hỏi nhiều thông tin đáng cậy hơn về sản phẩm, trong đó có nơi xuất xứ. Vì thế, một trong các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu là tạo ra những thương hiệu quốc gia mạnh mẽ.

"Việt Nam, nơi ghi nhận số ca mắc và tử vong do Covid-19 ở mức thấp đáng kinh ngạc, đã nổi lên là một trong những địa điểm hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Mỹ", Brand Finance cho biết, các nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khởi Trung Quốc sau cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương cho biết, với những nỗ lực của chương trình thương hiệu quốc gia “Vietnam Value”, ngành công nghiệp thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã thu về tới 17 tỷ USD. Ngành công nghiệp may mặc cũng tạo ra tới 22 tỷ USD. Những kết quả này vô cùng quan trọng đối với sự tăng trưởng chung của Việt Nam. Và điều đó chỉ xảy ra khi Chính phủ Việt Nam tập trung nỗ lực.

Brand Finance đánh giá, đây là cơ hội để các quốc gia như Việt Nam - quốc gia xử lý tốt cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế. Việt Nam hiện xếp thứ 57 về hạng mục "kinh tế mạnh mẽ và ổn định", hiện là một trong số ít các quốc gia được IMF dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn, các nhà đầu tư và doanh nghiệp đang tìm kiếm sự ổn định tại các thị trường có thể quản lý thành công cuộc khủng hoảng. Đó chính là lý do họ tìm đến Việt Nam.

Nhờ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt và truy tìm tiếp xúc, Việt Nam đã quản lý tốt để giữ Covid-19 ở mức thấp nhất với chỉ 1.412 ca nhiễm và 35 ca tử vong trong dân số 96 triệu người và các hoạt động kinh tế hầu như trở lại bình thường.

Mỹ vẫn là thương hiệu giá trị nhất thế giới với 23,7 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc và Nhật Bản.

LyLy