Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam xếp thứ 33/100, cán mốc 319 tỷ USD

07:53 03/03/2021

Nhờ đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế, xã hội, Việt nam được đánh giá phát triển vượt bậc về thương hiệu quốc gia theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Brand Finance đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh 2021 về Quyền lực mềm toàn cầu” từ 19h đến 23h thứ Năm, ngày 25/2/2021 (giờ Việt Nam). Diễn đàn có sự tham gia của cựu Ngoại trưởng và Cựu Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, bà Hillary Rodham Clinton cùng nhiều diễn giả nổi tiếng khác trên thế giới và được truyền thông trên BBC Global News.

Báo cáo chỉ số cho thấy, vị trí của Việt Nam đã được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu. Việt Nam là điểm sáng về quyền lực mềm toàn cầu 2021 do tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua. 

  Việt Nam được đánh giá đã sử dụng các biện pháp phù hợp và hiệu quả để kiểm soát COVID-19.

Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Brand Finance là công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới, có trụ sở tại London (Anh) và được thành lập vào năm 1996. Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Brand Finance đã có văn phòng đại diện hoạt động tại hơn 20 quốc gia. Hàng năm, Brand Finance công bố các báo cáo, từ xếp hạng giá trị thương hiệu của các quốc gia (Nation Brands) đến thương hiệu bất động sản, viễn thông, đồ chơi, câu lạc bộ bóng đá...

Theo báo cáo Nation Brands 2020 của Brand Finance, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD. Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của Brand Finance. Là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá giá trị thương hiệu quốc gia, hàng năm, Brand Finance thực hiện Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report).

Kết quả về Chỉ số quyền lực mềm của các quốc gia được tổng hợp từ các tiêu chí: - Tính phổ biến của thương hiệu quốc gia đó. - Ảnh hưởng tổng thể của quốc gia: mức độ mà một quốc gia được coi là có ảnh hưởng tại quốc gia của người trả lời cũng như trên thế giới - Danh tiếng tổng thể của quốc gia: quốc gia này có được coi là có danh tiếng mạnh mẽ và tích cực trên toàn cầu không? - Khả năng ứng phó của quốc gia trước dịch bệnh Covid-19. - Hiệu suất trên 7 trụ cột của Quyền lực mềm (Kinh doanh & Thương mại, Quản trị, Quan hệ Quốc tế, Văn hóa & Di sản, Truyền thông & Báo chí, Giáo dục & Khoa học, Con người & Giá trị).

Uy tín quốc gia của Việt Nam trong năm qua đã tăng lên phần lớn nhờ chủ trương và phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu trong và ngoài nước cũng như sự năng động, nỗ lực của người dân Việt Nam.

 Trung Hiếu