Giá sản xuất của Trung Quốc tăng mạnh nhất kể từ năm 2008 và làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh

14:30 09/06/2021

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc, một thước đo chi phí sản xuất, đã tăng 9% trong tháng 5 so với một năm trước, nhanh nhất kể từ tháng 9 năm 2008.

Công nhân kiểm tra các cuộn nhôm tấm tại một nhà máy ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Công nhân kiểm tra các cuộn nhôm tấm tại một nhà máy ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Cục thống kê Quốc gia ngày hôm nay (9/6) cho biết, Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng 9% trong tháng 5 so với một năm trước do giá hàng hóa tăng mạnh.

Điều đó đánh dấu mức tăng chi phí sản xuất nhanh nhất kể từ tháng 9 năm 2008, khi chỉ số này tăng 9,13%, theo Wind Information.

Trong khi mức tăng vượt qua kỳ vọng tăng 8,5%, theo một cuộc thăm dò của Reuters. Chỉ số này đã giảm 3,7% vào tháng 5 năm 2020 trong những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19..

Gan Jie, Giáo sư tài chính kiêm Giám đốc học thuật chương trình MBA tại trường Kinh doanh Cheung Kong, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, giá nguyên liệu thô tăng là mối quan tâm đặc biệt đối với các công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, cũng như sắt thép.

“Các công ty này bi quan hơn. Họ thấy chi phí tăng rất mạnh và họ nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm”, bà Jie nói, lưu ý các doanh nghiệp khác dự kiến ​​giá sẽ bình thường hóa sớm hơn. Đó là dựa trên sự theo dõi của nhóm của bà vào tuần trước về một cuộc khảo sát với hơn 2.000 công ty Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp.

Cuộc khảo sát ban đầu được thực hiện vào cuối tháng 3 và tháng 4 cho thấy tâm lý kinh doanh không thay đổi trong quý đầu tiên so với quý trước. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các công ty báo cáo tỷ suất lợi nhuận gộp dưới 15% đã tăng lên khoảng 70%.

Gan Jie nói: “Họ chắc chắn đang bị siết chặt. Một số công ty thậm chí cho biết họ không thể nhận đơn đặt hàng ngay bây giờ, bởi vì họ càng sản xuất nhiều, họ càng lỗ. Lợi nhuận ròng của họ đang ở con số âm”.

Trong vài tuần gần đây, chính quyền trung ương Trung Quốc đã công bố hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu thô tăng.

Wang Jiangping, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nói với các phóng viên tuần trước rằng, tác động đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là “khá lớn”.

Ông lưu ý rằng, tỷ suất lợi nhuận hoạt động 6% của họ trong 4 tháng đầu năm thấp hơn 2 điểm phần trăm so với các doanh nghiệp lớn - một khoảng cách đang gia tăng.

Công bố dữ liệu ngày hôm nay cũng cho thấy, giá tăng gần gấp đôi, tăng 99,1%, đối với ngành khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Trung Quốc, và tăng 34,3% đối với dầu, than và các nhà chế biến nhiên liệu khác.

Mặt khác, chi phí tiêu dùng tư nhân chỉ tăng nhẹ. Cơ quan thống kê cho biết rằng chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Năm, không đáp ứng nổi kỳ vọng là 1,6%. 

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng phải đối mặt với áp lực từ việc giảm lượng mua hàng ở nước ngoài. Xuất khẩu tăng đột biến, do nhu cầu toàn cầu về khẩu trang và các mặt hàng liên quan đến sức khỏe khác, đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào năm ngoái trong thời kỳ cao điểm của đại dịch Covid-19

Gan Jie cho biết, các doanh nghiệp đang phải gánh chịu mức tăng của chi phí và không cắt giảm nhân công. 

Căng thẳng giữa Trung Quốc và đối tác thương mại lớn nhất của họ, Mỹ, đã leo thang trong ba năm qua khi cả hai quốc gia đều đánh thuế hàng hóa từ bên kia. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng trong tháng 5 so với tháng trước, nhưng nhập khẩu lại giảm .

Ngoài ra, một thỏa thuận đầu tư lớn giữa Trung Quốc và châu Âu, gần như sắp đóng cửa vào cuối năm ngoái, giờ có vẻ như không thể hoàn thành do các lệnh trừng phạt của mỗi bên đối với cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Bảo Bảo