Giá mía xuống thấp, người nông dân Khánh Hòa loay hoay chuyển đổi cây trồng

16:55 07/03/2021

Do giá mía nguyên liệu trong nước giảm khiến cho nhiều người dân bao năm gắn bó cũng phải bỏ cây mía để tìm loại cây trồng khác. Bài toán nào hỗ trợ người dân thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) – nơi cung cấp nguyên liệu mía lớn nhất Nam Trung Bộ.

Nơi cung cấp nguyên liệu mía lớn nhất vùng Nam Trung Bộ đó là Thị xã Ninh Hòa tỉnh (Khánh Hòa). Gần đây, giá mía nguyên liệu trong nước giảm khiến cho nhiều người dân bao năm gắn bó cũng phải bỏ cây mía để tìm loại cây trồng khác. 

Ghi nhận tại xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho thấy, diện tích mía trên địa bàn liên tục giảm. Vụ mùa 2020-2021 này, toàn xã chỉ còn 500ha mía, giảm 800ha so với vụ 2018-2019.

Năm nay trồng 1,5ha mía, chị Võ Thị Hậu Phương (thôn Trung, xã Ninh Tân), cho biết, năng suất vụ này đạt khoảng 40 tấn/ha. Đổ mồ hôi, công sức nhưng sau khi trừ chi phí, gia đình chị Phương chỉ thu được vài chục triệu đồng. "Đó là nhờ gia đình tôi đầu tư chăm sóc chu đáo, chứ nhiều ruộng mía khác còi cọc cho năng suất thấp hơn", chị Phương nói. 

Cả một năm lao động quần quật, ước tính với 3 ha mía của gia đình anh Hồ Quang Hiếu (xã Ninh Tân) còi cọc, thấp lè tè dự kiến sản lượng đạt khoảng 100 tấn., anh thu về khoảng 70-80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, phân bón, chăm sóc..., anh lãi không được bao nhiêu. Anh cho biết khoảng 3 năm nay, việc trồng mía của gia đình không hiệu quả. Vì vậy, năm tới, anh dự định cho thuê đất hoặc tạm thời bỏ đất trống hoặc chuyển sang trồng cây khác phù hợp hơn.  

Việc thu hoạch mía tại các vùng trồng ở các xã Ninh Xuân, Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) cũng diễn ra khá trầm lắng. Nhiều ruộng mía còi cọc, kém phát triển do không được đầu tư chăm sóc vì dư âm từ những vụ mía mất mùa. Theo ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, năm nay, dự kiến những vùng mía tốt đạt năng suất khoảng 40-50 tấn/ha, còn trung bình dao động 20-30 tấn/ha. "Vụ mía năm này, các nhà máy thu mua ở mức cao 920.000 - 950.000 đồng/tấn (10CSS) nhưng nhìn chung bà con trồng mía sẽ không đạt thu nhập như mong muốn. Bởi đa số diện tích là mía lưu gốc lại không đầu tư chăm sóc nên dẫn đến kém chất lượng", ông Vũ chia sẻ.

Không chỉ người trồng, lao động chặt mía cũng có thu nhập không ổn định. Hiện người chặt mía thuê chủ yếu là lao động địa phương, có tiền công được tính theo sản phẩm (1.500-2.000 đồng/bó). Mỗi ngày, một người có thể chặt được 100-150 bó mía, nhận thu nhập khoảng 100.000-150.000 đồng/ngày. "Để kiếm được chừng đó, lao động chặt mía cũng rất vất vả, phơi nắng từ sáng đến trưa. Thu nhập từ chặt mía cũng không ổn định, chỉ kéo dài còn hơn một tháng nữa", anh Hồ Quang Hiếu nói. 

Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) – nơi cung cấp nguyên liệu mía lớn nhất Nam Trung Bộ
Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) – nơi cung cấp nguyên liệu mía lớn nhất Nam Trung Bộ.

Trước tình hình cây mía không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, diện tích mía ngày càng giảm, Thị xã Ninh Hòa đang quy hoạch lại bản đồ thổ nhưỡng, nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích mía kém hiệu quả hoặc bỏ trống sang trồng cây mới như thơm (dứa)… phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài. Khi đó việc chuyển đổi cây trồng của người dân sẽ được hiệu quả và bền vững.

PV