Giá lợn hơi tăng mạnh, người nuôi vẫn phải dè chừng

00:00 12/10/2020

Những ngày đầu tháng 7/2018, giá lợn hơi ở Hải Phòng và các tỉnh lân cận liên tục tăng cao. Do nguồn cung khan hiếm, giá lợn hơi ở một số địa phương đã cán mốc mới 52.000-53.000 đồng/kg.

Theo Cục Thống kê thành phố Hải Phòng, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất chăn nuôi của cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng có nhiều khởi sắc, nhất là chăn nuôi lợn.

Vào thời điểm này, giá lợn hơi tăng cao song lợn trong một số gia trại ở xã Tân Dân (huyện An Lão) còn nhỏ chưa được xuất bán. Ảnh: Hương An

Từ cuối tháng 12/2017, giá sản phẩm đầu ra đã tăng trở lại giúp người chăn nuôi có lãi để duy trì sản xuất, đây là tín hiệu tích cực cho cả ngành chăn nuôi nói chung. Ước tính tháng 6/2018, đàn lợn trên toàn địa bàn Hải Phòng đạt 413.400 con, bằng 98,73%, giảm 5.300 con so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn hơi trong nước bắt đầu tăng từ đầu năm 2018 và tăng mạnh từ quý 2/2018 với mức tăng tổng cộng lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg so với cuối năm 2017.

Theo tính toán, với giá lợn đạt mức trên 50.000 đồng/kg ở thời điểm hiện tại, người nuôi có thể có lãi từ 1,3-1,4 triệu đồng/con. Tuy nhiên, dù giá lợn tăng cao, người nuôi phấn khởi vì bán một con lợn có thể lãi tiền triệu nhưng điều đáng nói là khi được giá thì số lợn của dân nuôi không còn nhiều. Bởi thời kỳ lợn rớt giá thảm hại, nhiều hộ chăn nuôi đã bán tống bán tháo cả đàn, thậm chí bán luôn cả lợn nái vì không bán thì càng lỗ.

Do đó hiện nay số lợn nuôi trong dân không còn nhiều khiến nguồn cung khan hiếm, thương lái lùng mua khắp các trại, thậm chí còn cọc tiền trước cả nửa tháng. Vì thế chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, các trang trại quy mô công nghiệp, có đầu ra tiêu thụ ổn định mới đủ sức trụ lại đến giờ và xuất bán có lời. Mặt khác, giá lợn hơi tăng, kéo theo giá lợn giống cũng tăng mạnh khiến người nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ gặp khá nhiều khó khăn trong việc tái đàn do chi phí đầu tư ban đầu khá lớn. 

Theo khảo sát của Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng, tính từ đầu năm đến cuối tháng 5/ 2018, sản lượng thịt hơi cung ứng cho thị trường thành phố khoảng hơn 35 nghìn tấn. Trong đó, nguồn cung trên địa bàn thành phố giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn hiện có tuy tới hơn 400 nghìn con, song chỉ có 30% số lợn đến giai đoạn được xuất chuồng. Hiện tượng khan hiếm lợn hơi xuất hiện trong mấy tuần qua là do các hộ chăn nuôi đang trong giai đoạn tái đàn, lợn chưa đến kỳ xuất bán.

Một số hộ có lợn to nhưng nghe ngóng biến động giá cả thị trường nên chưa bán để chờ thời cơ giá tăng cao mới bán để bù lỗ chi phí chăn nuôi… Toàn thành phố có hơn 200 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đều giảm quy mô đàn lợn nuôi so với trước khoảng 10% - 30%.

Ở một số huyện, nhiều người chăn nuôi gia trại, trang trại để trống chuồng sau đợt giá lợn hơi giảm mạnh. Ông Đinh Văn Tam ở thôn Lão Phong, xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy là Trưởng nhóm nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô nuôi 200 con/lứa. Ông Tam chia sẻ, vào lúc thời điểm giá lợn hơi xuống thấp, gia trại lỗ gần 1 tỷ đồng, nên ông bán hết lợn với giá rẻ, không đủ thu hồi vốn trả nợ vay ngân hàng. Hiện giá lợn hơi tăng cao nhưng ông Tam cũng như nhiều hộ khác ở thôn Lão Phong không có để bán.

Một vấn đề đặt ra là việc giá thịt lợn trong nước đang ở mức cao trong khi thế giới thấp hơn nên nảy sinh nguy cơ thịt ngoại (cả lợn sống và thịt lợn đông lạnh) sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam, nhất là đường tiểu ngạch.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan: tháng 5/2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 29.700 tấn, trị giá 43 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với tháng 4-2018. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 113.000 tấn, trị giá 178 triệu USD.

Thực tế hiện nay chưa thể khẳng định đợt tăng giá lợn lần này có bền vững không, hay chỉ là đợt tăng giá bất thường rồi lại kéo xuống thấp. Mặt khác, sau một thời gian dài giảm đàn hoặc bỏ nuôi do thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi thấy giá lợn tăng cao, nếu chỉ nhìn vào mức lợi nhuận này để mở rộng tăng đàn ồ ạt, nguồn cung sẽ bị thừa và nguy cơ rớt giá sẽ lại xảy ra.

Vì vậy, người chăn nuôi cần thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc tăng đàn vì nguồn cung thế giới đang rất dồi dào. Đặc biệt khi chưa liên kết được thị trường tiêu thụ sản phẩm một cách ổn định thì lại càng phải dè chừng.

Đức Vũ