Giá lợn bán ra tiếp tục xuống thấp, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết giảm gây khó khăn cho hộ sản xuất

16:28 02/12/2022

Lãnh đạo Sở NN&PTNT các địa phương cho rằng, giá đầu ra thấp trong khi chi phí chăn nuôi vẫn cao, và dự báo nhu cầu tiêu thụ trong dịp Tết giảm khiến người chăn nuôi lợn rất khó khăn.

Sáng ngày 2/12, giá lợn hơi tại các khu vực trên cả nước vẫn biến động giảm nhẹ do nhu cầu tiêu thụ giảm, dao động trong khoảng 49.000 - 55.000 đồng/kg. Trong khi đó giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao, bình quân 60.000 đồng/kg, gây nguy cơ thua lỗ cho người chăn nuôi lợn. 

Ảnh minh họa. Nguồn: CP Vietnam
Ảnh minh họa. Nguồn: CP Vietnam.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, tại Diễn đàn “Kết nối tiêu thụ các sản phẩm chủ lực phía Nam phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023” ngày 1/12, cho biết: Giá lợn đạt chuẩn hiện đang ở mức 53.000 đồng/kg, trong khi lợn quá lứa chỉ còn 48.000 - 49.000 đồng/kg. Giá đầu ra thấp mà chi phí chăn nuôi vẫn cao, khiến người chăn nuôi rất khó khăn. Ông Thắng cho rằng, Bộ NN&PTNT cần có các biện pháp cần thiết, cũng như có sự phối hợp với Bộ Công thương để đưa giá heo hơi về mức phù hợp với thị trường để đảm lợi ích cân đối giữa các bên.

Ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương thông tin, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 950.000 con. Mỗi ngày, địa phương này có khả năng cung ứng khoảng 7.000 - 8.000 con lợn tại địa bàn và TP.HCM, dù năng lực có thể cung cấp đến 10.000 con. Vì vậy, bài toán đặt ra lúc này ở Bình Dương là làm sao để mở rộng thị trường, tiêu thụ hết số đầu lợn đã đến kỳ xuất chuồng.

Nhiều tháng trở lại đây giá lợn xuống thấp, nguyên nhân được cho là do cung nhiều mà cầu thấp. Nhiều nhà máy lớn tại các KCN ở phía Nam đã cho công nhân nghỉ Tết sớm hoặc nghỉ luân phiên, do vậy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn cũng giảm mạnh.

Tuy sức tiêu thụ thịt trong nước giảm, nhưng một lượng không nhỏ thịt đông lạnh vẫn được nhập khẩu về. Số liệu thống kê từ ngành hải quan cho biết trong quý 3/2022, Việt Nam nhập khẩu gần 192.000 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá gần 418 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá trị nhập khẩu của thịt nếu tính chung 11 tháng, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật ước đạt 1,37 tỷ USD, tăng 5,7%. Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho VN với 37.350 tấn, trị giá gần 126 triệu USD, tăng gần 165% về lượng và tăng 180% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), lý giải: Nhiều năm gần đây, thị trường tết thường sôi động trước 1 - 2 tháng, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng chế biến, nhờ đó giá tăng dần đến tết. Nhưng giờ thì người dân cũng ít chuẩn bị tết và chi tiêu cũng hạn chế hơn do kinh tế khó khăn. Thế nên, với hàng thực phẩm chế biến, sức mua chỉ sôi động khoảng 20 ngày trước tết và hàng tươi sống chỉ tăng mạnh vào khoảng 1 tuần trước tết.

“Thời gian qua, chúng tôi cũng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến đóng hộp sang một số nước như Úc, Mỹ nhưng số lượng chưa nhiều. Còn xuất khẩu thịt lợn trực tiếp thì rất khó vì vướng các quy định về an toàn dịch bệnh.

Việc này phải được công nhận nhau ở cấp Chính phủ”, ông Phú nói và cho biết thêm: “Vấn đề của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay là cầu thấp trong khi giá thành chăn nuôi vẫn còn cao nên hiệu quả thấp và không bền vững. Giá lợn có thể tăng vào thời điểm cận tết, nhưng tình hình chung ít có cơ hội khởi sắc”.

Ngành chăn nuôi gia súc gặp khó

TS Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định: “Hết tháng 11 mà giá lợn không khởi sắc thì trong năm nay khó còn cơ hội phục hồi nữa. Nếu lợn đến lứa, tôi khuyên bà con nên cho xuất chuồng vì neo lại sẽ chịu thiệt hại kép (tốn thêm chi phí duy trì đàn).

Hiện nay, không chỉ có chăn nuôi lợn gặp khó mà cả người chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò) cũng rất căng thẳng về đầu ra và giá thành. Với các vấn đề của hiện tại là đầu ra hạn chế và giá thành chăn nuôi cao, khó khăn của ngành chăn nuôi lợn có thể vẫn còn tiếp tục kéo dài đến năm 2023 và có thể dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Cần có giải pháp cứu ngành chăn nuôi lợn vì ngành này có vốn đầu tư cao và mất nhiều thời gian (1,5 - 2 năm) để tái đàn”.

Ông Dương cho rằng, trước hết, Nhà nước nên kiểm soát nguồn thịt nhập khẩu. Đối với hàng chính ngạch, phải kiểm soát các sản phẩm cận date giá rẻ, chất lượng kém, hàng phụ phế phẩm chăn nuôi.

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong 4 năm qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cộng thêm giá thịt lợn thất thường đã khiến số lượng hộ chăn nuôi giảm từ 4 triệu hộ xuống còn 2 triệu hộ. Không ít mô hình chăn nuôi nông hộ, trang trại nhỏ lẻ bị xoá sổ, không trụ được trước biến động của thị trường.

Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ và minh bạch về nguồn cung thịt trong nước và cả nhập khẩu để người dân và doanh nghiệp biết và tự cân đối nhằm tránh rơi vào tình trạng cung vượt cầu như hiện nay.

 D.A (Tổng hợp)