Giá dầu tăng mạnh trở lại, chứng khoán trượt giá khi căng thẳng chính trị tiếp diễn

13:30 02/03/2022

Ngày 01/03/2022, giá dầu Brent đã tăng lên mức hơn 110$/thùng, tăng hơn 13% kể từ lúc thị trường mở cửa tuần mới khi lo ngại gia tăng về tác động của các lệnh trừng phạt mạnh tay chống lại Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.

Ảnh minh họa/ Nguồn ảnh 
 

Ảnh: IAEA
Ảnh minh họa/ Nguồn ảnh: IAEA.

Báo cáo tiêu thụ dầu thô toàn thế giới sẽ sớm được công bố cũng làm tăng mạnh giá dầu thô giao sau lên mức 107$/thùng, trong khi giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng 29%, nhấn mạnh nỗi lo của thị trường rằng nguồn cung sẽ không đủ để bù đắp cho sự gián đoạn ngày càng tăng đối với các thị trường này. Cả giá dầu và khí đốt hiện đã tăng gần 60% kể từ khi lo ngại về một cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu leo ​​thang vào tháng 11. 

Các trung tâm dầu mỏ lớn nhất của Mỹ đã tạm dừng nhập khẩu từ các công ty Nga, mặc dù Nhà Trắng cho biết việc bán dầu không phải là mục tiêu của các lệnh trừng phạt. Điều này có nghĩa là các biện pháp trừng phạt đã trở nên khó khăn hơn dự kiến. Để đề phòng giá dầu tăng quá mạnh mất kiểm soát, tất cả 31 quốc gia là thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế( IAEA) đồng ý giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược của họ để gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các thị trường dầu mỏ rằng sẽ không thiếu nguồn cung cấp do Nga. IAEA hiện dự trữ 1,5 tỷ thùng dầu. Lượng giải phóng lên tới 4% lượng dự trữ, tương đương khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày trong 30 ngày.

Thị trường chứng khoán của Nga vẫn bị đóng cửa và một số nền tảng giao dịch trái phiếu không còn hiển thị giá, nhưng giao dịch tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới vẫn diễn ra, mặc dù có chút lộn xộn. Tài sản của Nga rơi vào tình trạng rơi tự do với iShares MSCI Russia ETF (CSRU.L) niêm yết tại London, giảm 33% xuống mức thấp kỷ lục mới và cổ phiếu của Sberbank, công ty cho vay lớn nhất của Nga, giảm xuống còn 21 cent từ mức chỉ dưới 9 đô la trước cuộc đụng độ chiến sự ( mức giảm hơn 90% về giá trị).

Đồng đô la tăng 8,9% so với đồng rúp và giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 2,3% ở mức 1.943,80 USD / ounce trong bối cảnh Nga cảnh báo người dân Kyiv nên di tản và dùng tên lửa tấn công xuống Kharkiv. Đồng euro chạm mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ kể từ tháng 6 năm 2020. Chỉ số đô la Mỹ, đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, vẫn đang trong đà tăng +0,65%. 

Các chỉ số chứng khoán chính ở Đức (.GDAXI), Pháp (.FCHI), Ý (.FTMIB) và Tây Ban Nha (.IBEX) đóng cửa giảm hơn 3% trong khi chỉ số EURO STOXX 600 (.STOXX) giảm 2,4%. Các chỉ số chứng khoán Dow, S&P 500 và Nasdaq đều đóng cửa thấp hơn khoảng 1,5% trong khi các chỉ số ngân hàng của Hoa Kỳ (.BKX) và Châu Âu (.SX7P) bị ảnh hưởng nặng nề trong ngày thứ hai, giảm khoảng 5,6% mỗi chỉ số.

Chỉ số MSCI toàn thế giới .MIWD00000PUS giảm 1,35%.

Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm trượt trở lại vùng âm lần đầu tiên kể từ cuối tháng 1 và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, tại mức 1,74% khi các nhà đầu tư ưu tiên các loại tài sản an toàn như vàng.

Sự gián đoạn gây ra bởi các lệnh trừng phạt đã đặt ra câu hỏi về mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng chính trị Nga- Ukraine đối với tăng trưởng toàn cầu và lạm phát. Anthony Saglimbene, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại Ameriprise Financial cho biết: Các nhà đầu tư đang hành động hợp lý từ quan điểm thị trường, thúc đẩy giá dầu, khí đốt và hàng hóa tăng lên vì họ hiểu rằng có thể có sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Khả năng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã dẫn đến lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác sẽ không mạnh tay trong việc tăng lãi suất trong những tháng tới, khi kế hoạch tăng lãi suất vốn được dự tính vào tháng 3/2022. Joseph LaVorgna, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Mỹ tại Natixis, cho biết thị trường trái phiếu lo lắng về tăng trưởng hơn là lạm phát do lãi suất thực giảm.

Anh Dũng