GDP của Philippines tăng 11,8% trong quý 2, chấm dứt suy thoái kéo dài 15 tháng

09:56 10/08/2021

Các lệnh giãn cách mới để chống lại biến thể delta đang một lần nữa đe dọa đà phục hồi kinh tế của Philippines, và cản trở mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm của nước này.

Các nhân viên cảnh sát kiểm tra người lái xe ô tô tại một trạm kiểm soát trong một cuộc chốt chặn nghiêm ngặt hơn ở ngoại ô thành phố Marikina, Philippines, vào ngày 6 tháng 8. © AP

Trạm kiểm soát trong một cuộc chốt chặn nghiêm ngặt ở ngoại ô thành phố Marikina, Philippines, vào ngày 6 tháng 8. Ảnh: AP.

Nền kinh tế Philippines tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2, đánh dấu sự kết thúc của cuộc suy thoái do đại dịch gây ra kéo dài 15 tháng.

Sự phục hồi trong quý 2 (từ tháng 4 đến tháng 6), được Cơ quan Thống kê Philippines công bố vào ngày hôm nay (10/8). Trong cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội giảm kỷ lục 17% do chính phủ chống lại làn sóng nhiễm COVID-19 đầu tiên bằng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt theo nguyên tắc "kiểm dịch cộng đồng tăng cường".

Các quy tắc kiểm dịch tương tự đã được áp đặt một lần nữa ở Metro Manila - nơi có khoảng 13 triệu người - trong hai tuần, bắt đầu từ ngày 6 tháng 8, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể delta nguy hiểm hơn, đã đẩy số lượng lây nhiễm hàng ngày lên mức cao nhất trong nhiều tháng. Việc khóa cửa mới nhất, đã hạn chế sự di chuyển của người dân và hoạt động kinh doanh, điều này đồng nghĩa với việc có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quý 3 của nền kinh tế.

Philippines, quốc gia có đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia, đã ghi nhận 1,67 triệu trường hợp tính đến hôm thứ Hai (9/8), với số ca nhiễm hàng ngày trong 5 ngày qua trung bình là hơn 9.000 người..

Trước thềm cuộc bầu cử năm 2022, nhóm kinh tế của Tổng thống Rodrigo Duterte đang đặt mục tiêu tăng trưởng 6% đến 7% trong năm nay để đảo ngược mức giảm kỷ lục 9,6% vào năm 2020. Tuy nhiên, Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo một sự phục hồi khiêm tốn hơn, với mức tăng trưởng 4,5% vào năm 2021.

Lyly (Theo Nikkei Asia)